Chất phụ gia được bổ sung vào thực phẩm để làm gì?
Phụ gia là chất được thêm trực tiếp hoặc gián tiếp vào một số công đoạn chế biến, hoặc đóng gói thực phẩm với công dụng kéo dài thời gian bảo quản, giúp thức ăn có vẻ ngoài bắt mắt hay tăng thêm mùi vị hấp dẫn. Ngoài ra, một số phụ gia còn được bổ sung vào thức ăn với mục đích gia tăng giá trị dinh dưỡng.
Phụ gia thực phẩm không tồn tại trong tự nhiên, chỉ có thể được tạo ra từ phương pháp nhân tạo?
Từ rất lâu, con người đã biết tận dụng các phụ gia từ thực vật để chế biến thực phẩm, có thể kể đến chất tạo màu từ bột nghệ, lá dứa, củ dền… Ngoài ra, phụ gia thực phẩm còn được tổng hợp từ vi sinh vật như giấm hay enzymes dùng để làm sữa chua. Ngày nay, trước sự phát triển của ngành công nghiệp thực phẩm, nhiều chất phụ gia được nghiên cứu, bào chế từ tổng hợp hoặc bán tổng hợp hóa học với công dụng đa dạng.
Theo thông tư số 24/2019/TT-BYT, có bao nhiêu chất phụ gia được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm?
Theo Thông tư số 24/2019/TT-BYT, có hơn 400 chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm. Các chất phụ gia này được quy định cụ thể về hàm lượng sử dụng giới hạn đối với một loại hoặc một nhóm thực phẩm, nhằm bảo vệ sức khỏe người dùng. Danh mục này được áp dụng cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, phụ gia thực phẩm để lưu hành tại Việt Nam.
Người dùng tra cứu danh mục chất phụ gia được cấp phép trên hệ thống tra cứu của website nào?
Người dùng dễ dàng tra cứu phụ gia thực phẩm trên website hệ thống VFA của Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế (vfa.gov.vn). Tại đây, người dùng có thể tìm thấy đầy đủ thông tin về tên phụ gia, công dụng, quy định giới hạn nồng độ/hàm lượng, kỹ thuật sử dụng… Để tra cứu phụ gia, người dùng sẽ nhập từ khóa vào ô tìm kiếm, hoặc tìm theo danh sách nhóm phụ gia, nhóm thực phẩm hay chỉ số INS (International Numbering System).
Chất phụ gia được sử dụng đúng hàm lượng theo quy định sẽ được chuyển hóa như thế nào khi theo thức ăn vào trong cơ thể?
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chất phụ gia được sử dụng với đúng hàm lượng quy định của Bộ Y tế sẽ không tích tụ lâu trong cơ thể, không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Đa phần phụ gia được cấp phép sử dụng sẽ được đào thải ra ngoài cơ thể cùng với quá trình tiêu hóa thực phẩm và trao đổi chất. Ngoài ra, một số phụ gia có lợi sẽ được chuyển hóa thành dinh dưỡng. Vì thế không có chuyện phụ gia gây khó tiêu, hay các bệnh mãn tính như ung thư hay suy thận, suy gan.
Cơ quan nào sẽ phụ trách chính trong quá trình đào thải chất phụ gia không có lợi ra khỏi cơ thể?
Phụ gia thực phẩm không được cơ thể hấp thụ sẽ được loại bỏ khỏi cơ thể thông qua cơ chế đào thải độc tố, được đảm nhận chính bởi gan cùng sự hỗ trợ của các cơ quan khác như thận, đường ruột, hệ bạch huyết, da và phổi. Giống như các chất thải được lọc bỏ từ quá trình tiêu hóa và trao đổi chất, phụ gia thực phẩm cũng được đẩy ra ra ngoài cơ thể qua đường nước tiểu, mồ hôi, phân, hít thở…
Làm gì để tránh tích tụ phụ gia không có lợi trong cơ thể?
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, người tiêu dùng nên sáng suốt khi lựa chọn thực phẩm, nên chọn những loại từ thương hiệu uy tín, có công bố chất lượng theo quy định của cơ quan quản lý Nhà nước. Ngoài ra, người dùng nên thiết lập chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường trái cây, rau củ và các loại hạt trong thực đơn để hỗ trợ các cơ quan thải độc hoạt động hiệu quả. Tập luyện thể thao, ngủ đúng giờ và đủ giấc, giữ tinh thần thoải mái cũng là lưu ý quan trọng giúp cơ thể loại bỏ phụ gia nhanh hơn.