Hà Nội

Giải đáp một số thắc mắc hiện nay về vắc xin Pfizer và vắc xin AstraZeneca

17-07-2021 07:00 | Y học 360
google news

SKĐS - So với vắc xin AstraZeneca thì các phản ứng đau tại chỗ và mệt mỏi sau tiêm vắc xin Pfizer nhiều hơn. Tuy nhiên các triệu chứng như sốt và rối loạn tiêu hoá sau tiêm vắc xin AstraZeneca lại nhiều hơn sau tiêm vắc xin Pfizer.

1. Phản ứng sau tiêm của vắc xin Pfizer có gì khác so với vắc xin AstraZeneca?

Phản ứng sau tiêm của vắc xin Pfizer: 

Những phản ứng bất lợi thường gặp nhất ở trẻ vị thành niên từ 12 đến 15 tuổi là đau tại vị trí tiêm (> 90%), kiệt sức và đau đầu (> 70%), đau cơ và ớn lạnh (> 40%), đau khớp và sốt (> 20%).

Các phản ứng bất lợi ở những người tham gia từ 16 tuổi trở lên là đau tại vị trí tiêm (>80%), kiêṭ sức (> 60%), đau đầu (> 50%), đau cơ và ớn lạnh (> 30%), đau khớp (> 20%), sốt và và thường có cường độ nhẹ hoặc vừa và khỏi trong vòng một vài ngày sau khi tiêm vắc xin. Tần suất của các biến cố sinh phản ứng hơi thấp hơn ở lứa tuổi cao hơn.

Các phản ứng ít gặp (≥ 1/1.000 đến < 1/100) bao gồm:

Nổi hạch
Các phản ứng quá mẫn (ví dụ: phát ban, ngứa, ban, mày đay, phù mạch)
Mất ngủ
Đau chi
Khó chịu; ngứa tại vị trí tiêm

Phản ứng sau tiêm của vắc xin AstraZeneca:

Các phản ứng ngoại ý thường được ghi nhận là nhạy cảm đau chỗ tiêm (> 60%); đau chỗ tiêm, nhức đầu, mệt mỏi (> 50%); đau cơ, khó chịu (> 40%); sốt, ớn lạnh (> 30%); và đau khớp, buồn nôn (> 20%). Phần lớn các phản ứng ngoại ý ở mức độ nhẹ đến trung bình và thường hết vài ngày sau khi tiêm. Đến ngày thứ 7, tỷ lệ các đối tượng có ít nhất một phản ứng tại chỗ hoặc toàn thân tương ứng là 4% và 13%. Khi so sánh với liều đầu tiên, các phản ứng ngoại ý được báo cáo sau liều thứ hai nhẹ hơn và ít xảy ra hơn.

Các phản ứng ít gặp (≥ 1/1.000 đến < 1/100) bao gồm:
Nổi hạch

Giảm cảm giác thèm ăn
Chóng mặt
Đau bụng
Tăng tiết mồ hôi; ngứa tại vị trí tiêm

Như vậy, so với vắc xin AstraZeneca thì các phản ứng đau tại chỗ và mệt mỏi sau tiêm vắc xin Pfizer nhiều hơn. Tuy nhiên các triệu chứng như sốt và rối loạn tiêu hoá sau tiêm vắc xin AstraZeneca lại nhiều hơn sau tiêm vắc xin Pfizer.

Biến chứng thuyên tắc huyết khối kèm theo giảm tiểu cầu sau khi tiêm vắc xin AstraZeneca có tỷ lệ 4,6/1 triệu liều tiêm thứ nhất. Còn với vắc xin Pfizer, tỷ lệ này là 0,2/1 triệu liều tiêm thứ nhất.

2. Người đã tiêm vắc xin AstraZeneca mũi đầu tiên, mũi 2 tiêm vắc xin Pfizer có được không? Nếu có thì khoảng cách giữa 2 mũi là bao lâu?

Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang xem xét đồng thuận về việc chuyển đổi giữa các loại vắc xin khác nhau trong một liệu trình tiêm chủng vắc xin COVID-19: đó không chỉ là sử dụng vắc xin do hai hãng khác nhau sản xuất, mà còn là phối hợp hai cách kích hoạt phản ứng miễn dịch khác nhau do công nghệ bào chế vắc xin khác nhau vì vậy có thể đạt hiệu lực bảo vệ tốt hơn đồng thời tăng khả năng chống lại các biến thể của virus SARS-CoV-2.

Đến tháng 6 năm 2021, các nghiên cứu và khuyến nghị từ Uỷ ban Tiêm chủng Quốc gia của Canada và một số quốc gia Châu Âu (Tây Ban Nha, Đức, Anh...): những người đã tiêm vắc xin AstraZeneca liều đầu tiên có thể tiêm được vắc xin vắc xin mRNA (Pfizer, Moderna) cho liều thứ hai, trừ khi có chống chỉ định. Tuỳ theo nghiên cứu, khoảng cách thời gian tối thiểu giữa 2 liều vắc xin AstraZeneca – vắc xin Pfizer có thể ngắn là 4 tuần hoặc có nghiên cứu ghi nhận là 8-12 tuần. Tuy nhiên theo các nghiên cứu khi phối hợp giữa 2 vắc xin COVID-19 với nhau, khoảng thời gian giữa 2 liều vắc xin càng cách xa nhau (8 hoặc 12 tuần) dường như sẽ giảm được các phản ứng phụ thường gặp sau tiêm chủng nhiều hơn khoảng thời gian ngắn (4 tuần).

3. Người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin AstraZeneca có cần tiêm thêm 1 mũi vắc xin Pfizer hay không?

Hiện nay, không có khuyến cáo chính thức nào từ WHO, CDC Hoa Kỳ về việc tiêm thêm một mũi nhắc lại sau khi hoàn tất đủ 2 mũi vắc xin COVID-19. Việc theo dõi hiệu lực bảo vệ kéo dài của vắc xin cho thấy thời gian bảo vệ lên đến 6 – 12 tháng. Thực tế những trường hợp bệnh nặng nhập viện và tử vong do COVID-19 đều là những người chưa được tiêm vắc xin. Trong nỗ lực đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 và nguồn lực vắc xin còn nhiều hạn chế trên thế giới, vắc xin hiện nay vẫn được chỉ định với lịch tiêm tiêu chuẩn.

4. Những lưu ý khi tiêm vắc xin Pfizer tại Việt Nam? 

Vắc xin COVID-19 Pfizer – BioNTech được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vắc xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại Quyết định 2908/QĐ-BYT ngày 12/6/2021.
Bảo quản vắc xin ở tuyến Quốc gia ở nhiệt độ âm sâu -90⁰C đến -60⁰C cho đến khi hết hạn sử dụng 6 tháng của vắc xin; bảo quản và tiêm chủng vắc xin ở tuyến tỉnh - huyện - điểm tiêm chủng ở nhiệt độ 2⁰C đến 8⁰C trong thời gian không quá 31 ngày.
Vắc xin ở dạng hỗn dịch đậm đặc pha tiêm. Mỗi lọ chứa 6 liều vắc xin, tương đương 0,45 ml sau pha với 1,8 ml dung dịch pha loãng. Dung dịch dùng để pha loãng vắc xin là dung dịch nước muối sinh lý NaCl 9‰.
Vắc xin hiện được chỉ định cho người từ 18 tuổi trở lên. Trong thời gian sắp tới, độ tuổi được chỉ định tiêm sẽ được cập nhật theo nguồn lực vắc xin của Việt Nam.
Đường tiêm: tiêm bắp. Liều lượng: 0,3 ml.
Lịch tiêm: 2 mũi cách nhau từ 3 đến 4 tuần
Khuyến cáo hiện nay của Bộ Y tế Việt Nam là sử dụng cùng loại một loại vắc xin phòng COVID-19 để  tiêm đủ 2 liều cho cùng một đối tượng.

5. Người có bệnh mãn tính (như rối loạn đông máu, tăng huyết áp, thoái hoá khớp...) thì có thể tiêm vắc xin Pfizer được không?

Các đối tượng có bệnh lý có bệnh nền, bệnh mạn tính được điều trị ổn định phải được khám sàng lọc kỹ và cần được tiêm chủng vắc xin COVID-19 tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu. Bạn không được tự ý ngừng thuốc đang điều trị vì lý do tiêm vắc xin COVID-19, và ngày đi tiêm vắc xin bạn cần đem toa thuốc và bệnh án đang điều trị để được bác sĩ tư vấn cụ thể.


Theo TS BS. Nguyễn Huy Luân, ThS. BS. Nguyễn Hiền Minh (Đơn vị Tiêm chủng - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM)
Ý kiến của bạn