Câu hỏi của em mô tả đúng về thực trạng “thực phẩm chức năng” hiện nay trên thị trường, đặc biệt là glucosamin. Glucosamin là một amino-saccharide, một thành phần có sẵn trong sụn khớp, cùng với một số chất khác. Người ta cho rằng khi khớp bị thoái hoá thì các thành phần cấu tạo như collagen, protein, chất nền, glucosamin, chondroitin, acid hyaluronic, v.v..bị thiếu hụt, do đó một thời gian dài trước đây, glucosamin được coi như thần dược giúp bồi hoàn và sửa chữa sụn khớp bị hư hỏng trong quá trình thoái hoá. Tuy nhiên, cùng với sự tiến bộ của sinh học phân tử và y học, ngừoi ta biết được thoái hoá khớp là hậu quả của nhiều yếu tố gây bệnh bao gồm tế bào, stress cơ học, yếu tố di truyền, cấu trúc khớp, bệnh lý, lối sống,… điều trị thoái hoá khớp thật sự đa dạng và không dễ dàng, từ đó, vai trò glucosamin (cùng với một số chất khác như chondroitin, UC2,…) chỉ còn thuộc nhóm thực phẩm bổ sung, dành cho BN thoái hoá khớp, không phải là thuốc chũa bệnh, nhất là các bệnh khớp khác, Trên thực tế, bệnh về khớp có hàng trăm loại, với nhiều nguyên nhân và cơ chế khác nhau, điều trị cũng khác nhau. Em nên đi khám để có chẩn đoán chính xác và điều trị thích hợp. Việc tự ý chữa bệnh bằng các chế phẩm thực ra tốn kém, vô tác dụng, thậm chí gây nguy hại nếu dùng không đúng, nguồn gốc nguyên liệu hay dây chuyền sản xuất không đảm bảo. Thói quen ngồi xếp bằng kéo dài có thể làm nghẽn tắc lưu thông tuần hoàn, tăng lực kéo và áp lực lên khớp gối, dây chằng, gân cơ…gây ra đau hay tê chân, vì vậy em nên điều chỉnh thời gian (không nên quá lâu) và tư thế (không quá gập chân) nhằm tránh quá tải cho khớp gối và các bộ phận phụ xung quanh.