Lúc 21h30 đêm 4/11, hành trình truy tìm và “giải cứu” cháu bé Trịnh Nguyễn Thành Đức (3 tuổi) bị cậu ruột là Trịnh Đắc Hòa (15 tuổi) ép đi ăn xin, bạo hành tàn nhẫn đã kết thúc. Sau nhiều ngày rảo qua các tuyến đường là địa bàn xin ăn của anh em cháu Trịnh Nguyễn Thành Đức, Trịnh Nguyễn Thành Đạt cùng cậu là Trịnh Đắc Hòa, đêm 4/11, các phóng viên đã phát hiện Hòa đang dẫn cháu Đức lang thang ăn xin ngay dưới chân cầu Ông Lãnh (quận 4, TPHCM) trong bộ dạng tiều tụy, rã rời và áo quần rách nát.
Quyết không để kéo dài tình trạng này và cũng để có đầy đủ chứng cứ thuyết phục nhất cho cơ quan chức năng “hành động”, ngay lập tức, phóng viên đã hô hoán để cùng người dân bắt giữ cháu Đức. Lúc này, Trịnh Đắc Hòa ở gần đó vội chạy đến. Không để người cậu này có cơ hội tẩu thoát, người dân đã “tóm” Trịnh Đắc Hòa. Anh Hùng, bảo vệ tổ dân phố phường 12, quận 4 đã nhiệt tình cùng các phóng viên “áp tải” cả Hòa và Đức về trụ sở UBND P.Tân Hưng, quận 7, nơi gia đình các cháu này đang tạm trú.
Ngay khi nhận tin báo của các phóng viên, lãnh đạo UBND P.Tân Hưng đã phối hợp với công an phường để tiếp nhận 2 cháu bé và hoàn tất hồ sơ vụ việc. Ngay sau đó, bà Lưu Thị Bích Hợp, Phó Chủ tịch UBND Phường Tân Hưng kết hợp cùng đại diện Hội Phụ nữ và công an đã trực tiếp đưa cháu Đức và Hòa vào Trung Tâm bảo trợ Xã hội TPHCM (P.13, Q.Bình Thạnh).
Khi được đưa về UBND phường, cháu Đức rất lờ đờ và mệt mỏi. Được cho sữa, cháu Đức uống lấy uống để. Những vết thương trên cơ thể cháu đã dần tan các điểm bầm tím, thâm đen; tuy nhiên có lẽ do chịu nhiều đòn roi, bạo hành nên cháu rất ít nói, chỉ ngồi lặng im, hoàn toàn không có sự hồn nhiên của một đứa trẻ 3 tuổi.
Người cậu Trịnh Đắc Hòa, tuy mới 15 tuổi nhưng có gương mặt rất “rành đời”. Hòa tỏ vẻ khá bình thản khi bị bắt. Hòa cho biết, cháu Trịnh Nguyễn Thành Đạt (5 tuổi, anh ruột cháu Đức) đã được mẹ là Trịnh Thị Tuyết Nở (21 tuổi) đưa về quê ở huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh để bán vé số dạo. Thời điểm nhóm phóng viên phát hiện, chỉ có cháu Đức đang bị Hòa dẫn đi ăn xin. Những người liên quan trọng vụ “bạo hành” gây chấn động này là bà Trần Thị Nguyệt (SN 1960, bà ngoại Đức), Trịnh Thị Tuyết Nở (mẹ Đức), Trịnh Nguyễn Thành Đạt (anh trai Đức) và Đặng Tấn Cường (SN 2001, bạn Hòa và cũng là người đánh Đức) không có mặt.
Hòa cho biết đã từng có thời gian (chưa rõ là cách đây 2 tháng hay 2 năm) ở Trung tâm Bảo trợ Xã hội TPHCM nên khi vào đây, không thấy gì lạ lẫm. Hòa ngoan ngoãn nghe theo hướng dẫn của cán bộ quản lý, chăm sóc tại đây. Hai đứa trẻ đã được y tá của trung tâm kiểm tra tình trạng sức khỏe ban đầu, mặc những bộ quần áo mới của trung tâm. Khi bưng hai khay cơm, canh ra, Hòa ăn một cách ngon lành và nói “muốn ở lại trung tâm, không muốn đi ăn xin nữa”. Riêng cháu Đức thì chỉ ăn từng muỗng nhỏ và không ăn được nhiều vì những vết thương trên mặt, quai hàm vẫn còn đau.
Đồng hồ nhích từng nấc kim trôi dần về khuya. Dù bị ám ảnh bởi đôi mắt lờ đờ, mỏi mệt của cháu Đức, chúng tôi vẫn cảm thấy đêm nay sẽ là một đêm yên bình ngon giấc, khi biết chắc chàng trai bé nhỏ Trịnh Nguyễn Thành Đức đã bình an vô sự.
Những hình ảnh cuộc giải cứu cháu Đức mà PV ghi lại trong đêm 4/11:
Cậu cháu Đức - Hòa xét cho cùng cũng chỉ là một nạn nhân của sự nghèo đói.
Theo Dân trí