* CẬP NHẬT: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu là người xác nhận diễn biến này tối 4/1.
Theo đó, liên ngành giữa pháp y, y tế, chính quyền địa phương đánh giá các yếu tố như: vị trí bé bị tai nạn, rơi vào ống cọc có độ sâu, thời gian kéo dài, bị chấn thương, đồng thời quan sát hiện trường cùng các yếu tố chuyên môn khác, nên giai đoạn đầu tiên lượng xấu.
"Đến thời điểm hiện nay các cơ quan chuyên môn đã có thủ tục xác định nạn nhân tử vong và tìm mọi cách đưa em lên sớm nhất để lo hậu sự", VNE dẫn lời Phó chủ tịch tỉnh Đồng Tháp cho biết.
Từ đêm 3/1 đến trưa ngày 4/1, công tác cứu hộ vẫn đang được Ban chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Đồng Tháp thực hiện khẩn trương nhằm giải cứu bé trai lọt trong lòng ống bê tông.
Phương pháp khoan guồng xoắn thực hiện ở độ sâu đáy cọc bê tông khoảng 34m. Tất cả phương tiện, thiết bị, nhân lực đã được huy động tối đa cho công tác cứu nạn em bé, tuy nhiên do điều kiện địa chất phức tạp nên công tác cứu nạn, cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Dự kiến, sau khi hoàn thành công tác khoan làm mềm đất sẽ cho tiến hành nhổ cọc bê tông.
Trong buổi trưa ngày 4/1, trao đổi nhanh thông tin tại hiện trường, ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: "Hiện tại, lực lượng cứu hộ đã khoan sâu đến độ sâu 34-35m ngang với đầu cọc nhưng sẽ tiếp tục khoan thêm. Trong chiều nay, các lực lượng sẽ tiến hành rã đất trong lòng ống để làm giảm tối đa áp lực, qua đó sẵn sàng đưa từng đoạn ống bê tông lên bằng cáp, cẩu chuyên dụng trước khi thực hiện cứu hộ trên mặt đất".
Cũng liên quan đến vụ việc, ông Đoàn Tấn Bửu cho biết thêm, hiện nay, lực lượng cứu hộ vẫn tiếp tục bơm oxy để duy trì không khí. "Ngay từ đầu, chúng tôi tiên lượng tình trạng của bé rất xấu vì rơi trong lòng ống chật hẹp, ở độ sâu trên 10m nên có thể xảy ra tình trạng đa chấn thương, không khí không bảo đảm. Nhưng chúng tôi vẫn hướng tới điều may mắn và duy trì không khí liên tục", ông Bửu bày tỏ hy vọng.
Về phương án cứu hộ tiếp theo, ông Bửu thông tin: Sau khi kéo được trụ bê tông lên, lực lượng tại chỗ sẵn sàng ứng trực sẽ cưa, cắt để đưa nạn nhân ra ngoài nhanh nhất. Ngoài ra, nhằm rút ngắn thời gian, bảo đảm công tác cứu người liên tục, khẩn trương và đạt tốc độ tốt nhất, các lực lượng cứu hộ và đơn vị phối hợp cũng đã triển khai thực hiện diễn tập sơ bộ các biện pháp cưa, cắt ống cọc chuyên dụng.
Trước đó, khoảng 11h30 ngày 31/12, bé Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) cùng các bạn trong xóm vào công trình cầu Rọc Sen (đường tỉnh lộ 857, xã Phú Lợi) để nhặt sắt. Lúc đi qua công trình đang thi công, bé Nam lọt xuống trụ bê tông (đường kính 25cm, rỗng bên trong, đã đóng xuống đất sâu khoảng 35m). Các em đi cùng hô hoán để người lớn ứng cứu nhưng bất thành.
Khoảng 30 phút sau khi xảy ra vụ việc, lực lượng cứu hộ có mặt, triển khai nhiều phương án để cứu bé trai. Sau đó, chính quyền tỉnh Đồng Tháp đã huy động hàng trăm người tham gia cứu hộ. Tuy nhiên các phương án giải cứu nạn nhân gặp nhiều trở ngại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khác, nhất là trong bối cảnh phải chạy đua với thời gian để hi vọng cứu sống cháu bé.