Hà Nội

Giải Cánh diều 2015: Ðiện ảnh Việt - Những dấu ấn sáng tạo

08-04-2016 08:20 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Cánh diều 2015 - Giải thưởng điện ảnh thường niên lớn nhất ở nước ta do Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức đã và đang diễn ra.

Cánh diều 2015 - Giải thưởng điện ảnh thường niên lớn nhất ở nước ta do Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức đã và đang diễn ra. Như mọi năm, hạng mục phim truyện điện ảnh của giải Cánh diều được dư luận quan tâm hơn cả. Và 18 tác phẩm điện ảnh “so găng” tại Cánh diều năm nay thật sự có dấu ấn sáng tạo, đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực...

“Kẻ tám lạng, người nửa cân”

Giải thưởng Cánh diều năm nay có 18 phim truyện điện ảnh xuất sắc nhất theo tiêu chí Ban Tổ chức đưa ra góp mặt dự giải, đó là: Nhà tiên tri, Người trở về, Trên đỉnh bình yên, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, 49 ngày, Bộ ba rắc rối, Ngày nảy ngày nay, Trúng số, Trót yêu, Bảo mẫu siêu quậy, Cầu vồng không sắc, Cuộc đời của Yến, Mỹ nhân, Đường xuyên rừng, Quyên, Gái già lắm chiêu, Ám ảnh, Siêu trộm.

Cảnh trong phim Nhà tiên tri.

Điều dễ dàng nhận thấy và đáng ghi nhận tại Cánh diều 2015 so với các mùa trước, hạng mục phim truyện điện ảnh đã nói “không” với phim thảm họa, nhảm nhí. 18 phim truyện điện ảnh dự giải lần này dù của tư nhân hay nhà nước sản xuất (hoặc liên kết sản xuất) đều là ứng cử viên sáng giá cho danh hiệu “Cánh diều Vàng”. Trong đó, những bộ phim có chất lượng và tạo được tiếng vang trong năm qua như: Nhà tiên tri, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cuộc đời của Yến, Người trở về, Quyên, Đường xuyên rừng... sẽ khiến Ban Giám khảo phải làm việc vất vả để tìm ra tác phẩm xuất sắc nhất vinh danh.

Bộ phim Nhà tiên tri được xem là một trong những ứng cử viên sáng giá cho giải “Cánh diều Vàng” tại mảng phim truyện điện ảnh. Bởi phim đã xây dựng thành công, làm nổi bật hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo tại thời điểm lịch sử quan trọng, trong đó số phận Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn bó chặt chẽ với số phận dân tộc và nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa non trẻ mới ra đời, giai đoạn trứng nước của Chính phủ kháng chiến trước đạo quân viễn chinh Pháp đầy sức mạnh. Bộ phim có những cảnh quay chân thực, cảm động về hình tượng Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo, chiến sĩ “nếm mật nằm gai” tại chiến khu Việt Bắc khiến khán giả không nén nổi xúc động.

Ngay sau Nhà tiên tri phải kể đến Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Đây là bộ phim từng gây “sốt” các phòng vé trên cả nước năm qua, đạt doanh thu hàng chục tỷ đồng sau 2 tháng công chiếu. Bộ phim được đánh giá cao vì đã cân bằng được yếu tố thị trường, làm hài lòng khán giả cũng như được đầu tư kỹ lưỡng về nghệ thuật. Bộ phim đã được Bộ VH-TT&DL chọn là 1 trong 6 sự kiện văn hóa tiêu biểu của năm 2015. Ngoài ra, không thể không nhắc tới Chuyện đời của Yến - phim có hướng khai thác về cuộc đời người phụ nữ một cách sâu sắc từ quá khứ đến hiện tại, dù đạo diễn mới ngoài 30 tuổi. Trong khi đó Quyên lại đề cập đến câu chuyện người Việt ở nước ngoài với những thông điệp nhân văn, mới mẻ... Cũng không thể xem nhẹ Người trở về của Điện ảnh Quân đội, vì phim gây ấn tượng mạnh với khán giả cả nước, tạo ra những cảm động về số phận người phụ nữ Việt Nam sau chiến tranh.

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam chia sẻ, phim truyện điện ảnh dự giải Cánh diều 2015 đa dạng về đề tài, đa dạng về cách thể hiện, sự tìm tòi và rất đa chiều.

Và vì một nền điện ảnh Việt

Không chỉ có những phim truyện điện ảnh xuất sắc tham gia, tạo nên một mùa giải thật sự khó đoán, giải Cánh diều 2015 còn tạo thêm dấu ấn và sự chú ý đối với công chúng khi Ban Tổ chức không mời bộ phim Em là bà nội của anh - bộ phim tư nhân gây “bão” doanh thu với hơn 100 tỷ đồng và được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật dự giải. Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát nhấn mạnh, tiêu chí của Ban Tổ chức Cánh diều 2015: “đề cao các tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực”.

Trong khi đó, thực tế cho thấy Em là bà nội của anh là bộ phim được xây dựng dựa trên nguyên tác Miss Granny - một tác phẩm của điện ảnh Hàn Quốc năm 2014. Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát cho biết thêm, bộ phim Em là bà nội của anh dù không hoàn toàn copy nhưng lại được các nhà làm phim Việt làm lại, nghĩa là đã có sự tác động trên phiên bản gốc. “Thậm chí tôi còn nghe nói, phim ngoại diễn như thế nào thì phim này (Em là bà nội của anh - PV) cũng phải diễn lại như thế” - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo ông Đặng Xuân Hải - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, thông qua giải thưởng Cánh diều là để tạo nguồn nhân lực, động viên các nhân lực trẻ tiếp bước con đường điện ảnh cách mạng. Những tác phẩm dựa trên nguyên tác nước ngoài sẽ phù hợp hơn với các liên hoan phim. Hiện tại, mục tiêu mà giải Cánh diều đặt ra là tôn vinh những bộ phim Việt và “chúng ta phải vì một nền điện ảnh Việt”.

Cánh diều 2015 có 144 tác phẩm điện ảnh tham gia tranh giải tại các hạng mục: phim truyện điện ảnh, phim truyện truyền hình (dài tập và ngắn tập) phim hoạt hình, phim tài liệu, phim khoa học, phim ngắn và công trình nghiên cứu, lý luận phê bình điện ảnh. Cánh diều 2015 có các giải Cánh diều Vàng, Cánh diều Bạc, Bằng khen cho tác phẩm và Cánh diều Vàng cho giải cá nhân (đạo diễn, diễn viên...). Lễ trao giải dự kiến diễn ra vào 20 giờ ngày 20/4 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội) và được truyền hình trực tiếp trên VTV2.

Hoa Quỳnh
Ý kiến của bạn