Hà Nội

Giải bài toán xuất khẩu sách

08-11-2019 08:19 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Một thực tế trong ngành xuất bản nước ta, đó là tình trạng nhập siêu sách diễn ra đều đặn hàng năm, còn việc xuất khẩu, đặc biệt sách văn học rất nhỏ giọt. Có thể nói, xuất khẩu sách Việt ra thị trường nước ngoài vẫn là bài toán khó bấy lâu nay chưa có đáp án và làm nhiều người trăn trở.

Nhập siêu

Nếu nhìn từ các số liệu thống kê, có thể thấy ngành xuất bản nước ta đã, đang không ngừng phát triển. Tuy nhiên, theo Cục xuất bản - In và Phát hành (Bộ Thông tin - Truyền thông), năm 2018, vẫn còn sự chênh lệnh quá cao giữa nhập khẩu ấn bản phẩm nước ngoài và xuất khẩu các ấn bản phẩm trong nước ra thị trường thế giới. Cụ thể, năm 2018, xuất bản phẩm nhập khẩu ước đạt 35,3 triệu bản sách; 11,2 triệu đĩa CD, DVD; 7,2 triệu tờ báo, tạp chí. Trong đó, có đến 50% là sách nhập khẩu thuộc lĩnh vực giáo dục; còn lại là ở các lĩnh vực như kinh tế, khoa học kỹ thuật, y học... Ngược lại, công tác xuất khẩu các ấn bản phẩm Việt Nam ra thị trường nước ngoài chỉ đạt 415.000 bản sách. Điều này phản ánh, hoạt động nhập khẩu các xuất bản phẩm nước ngoài vẫn đang chiếm tỷ trọng rất lớn, trong khi các ấn bản phẩm Việt Nam xuất khẩu ra thị trường quốc tế còn rất hạn chế. Đây là vấn đề đáng lưu tâm, thể hiện được mức độ, sự quan tâm cho việc quảng bá tư duy, ấn bản phẩm Việt Nam đến thị trường nước ngoài. Tình trạng nhập siêu này dẫn đến hệ quả sách Việt thiếu vắng trong danh mục sách của độc giả nước ngoài.

Đối với dòng sách văn học, chúng ta không thiếu những tác phẩm hay và chất lượng nhưng số lượng tác phẩm được dịch, xuất bản ở nước ngoài không nhiều. Có thể kể đến các tác phẩm đã đến với xứ người như: Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh; Nhật ký Đặng Thùy Trâm; Truyện Kiều (Nguyễn Du), Trí nhớ suy tàn, Thuật kỳ thủy (Nguyễn Bình Phương); Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ (Nguyễn Ngọc Thuần), Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Mắt biếc (Nguyễn Nhật Ánh); Trong sương hồng hiện ra (Hồ Anh Thái), Chảy đi sông ơi (Nguyễn Huy Thiệp), Cánh đồng bất tận (Nguyễn Ngọc Tư)... Gần đây, một số tác phẩm của nhà thơ Mai Văn Phấn, Nguyễn Phan Quế Mai và các truyện dân gian, cổ tích Việt Nam được xuất bản ở nước ngoài. Theo Cục Xuất bản, hiện nay, sách Việt được xuất khẩu chủ yếu sang Mỹ, các nước Anh, Pháp, Thụy Điển, Ba Lan và một số nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan chứ các thị trường khác như châu Phi, châu Mỹ hầu như chưa có các xuất bản phẩm của Việt Nam.

Giải bài toán xuất khẩu sáchĐộc giả tham quan gian hàng sách Việt Nam trong một sự kiện sách ở Nhật Bản.

Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên môn, chủ đề của các ấn bản phẩm của Việt Nam tại thị trường nước ngoài vẫn còn hạn chế, hiếm tác phẩm văn học của những tác giả trẻ, phản ánh cuộc sống xã hội, con người Việt Nam đương thời đến với độc giả nước ngoài.

Nhiều việc phải làm

Thực tế trên phản ánh, hoạt động xuất khẩu sách Việt ra nước ngoài còn hạn chế. Để sách Việt vươn rộng và có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới, các chuyên gia thời gian qua đã từng “hiến kế” để tìm ra hướng đi tươi đẹp hơn cho vấn đề này. Không ít nhà xuất bản ở Việt Nam cho rằng, để có thể tiếp cận với thị trường nước ngoài, chúng ta cần chủ động hơn trong việc tham gia triển lãm, hội chợ sách lớn trên thế giới, nhằm thu hút bạn bè quốc tế, tham quan, tìm hiểu về xuất bản phẩm và ngành xuất bản Việt Nam. Việc tham gia các hoạt động này sẽ tạo nhiều cơ hội thuận lợi cho các nhà xuất bản, đơn vị phát hành trong nước giao dịch bản quyền và kinh doanh hiệu quả hơn trong tương lai.

Theo bà Lệ Chi, Giám đốc Chibooks, để sách Việt ra thế giới, cần có sự đầu tư to lớn của nhà nước và sự chung tay phối hợp với các đơn vị xuất bản năng động. Chúng ta cần lên kế hoạch dài hạn và mục tiêu cụ thể. Sách Việt cần có sự đầu tư nghiêm túc phần dịch cả nguyên tác cuốn sách, làm các catalogue giới thiệu tác giả - tác phẩm, website giới thiệu bằng các thứ tiếng. Ngoài ra, việc liên kết nhiều đơn vị xuất bản năng động cùng quy tụ dưới một gian hàng lớn, đại diện cho giới xuất bản Việt Nam sẽ góp phần tăng thêm tính chuyên nghiệp, quy mô và gương mặt cho ngành xuất bản Việt.

Ông Đỗ Hoàng Sơn, Giám đốc Công ty Văn hóa Giáo dục Long Minh chia sẻ kinh nghiệm, để đạt được mục tiêu xuất khẩu sách của Việt Nam ra thế giới, công ty đã tập hợp đội ngũ những nhà viết sách giỏi, có kinh nghiệm và hiểu biết tiếng Anh. Đặc biệt, đơn vị này tập hợp đội ngũ họa sĩ trình bày sách tâm huyết với nghề để mỗi trang sách trở nên sinh động và thu hút được độc giả. Ngoài ra, khi xây dựng nội dung, hình thức mỗi đầu sách thì đơn vị đều xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế đã đặt ra.

Là người tâm huyết, nặng lòng với văn hóa đọc và đưa sách Việt ra quốc tế, TS. Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, trong bối cảnh đất nước đang phát triển và hội nhập mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, tham gia hoạt động xuất khẩu sách cần có sự quan tâm, góp sức của các nhà văn, nhà nghiên cứu trong nước và ngoài nước. Bên cạnh nỗ lực dấn thân của các doanh nghiệp, đơn vị làm sách tư nhân, rất cần có sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý trong nước và đại diện Việt Nam ở nước ngoài để nắm bắt thị hiếu, cơ hội hợp tác, giúp doanh nghiệp trong quá trình tự “bơi”, đưa sách ra thế giới.


Hoàng Trang
Ý kiến của bạn