Trong đó khoảng 60% người khuyết tật ở độ tuổi lao động và còn khả năng lao động, trong số đó trên 30% số người có việc làm tương đối ổn định. Như vậy, cả nước còn trên 2 triệu người khuyết tật có khả năng lao động nhưng chưa tham gia lao động, chưa có việc làm. Vậy đâu là khó khăn người khuyết tật khó tiếp cận tìm việc và cần phải có những giải pháp như thế nào để giải quyết bài toán việc làm cho người khuyết tật.
Hiện nay, cả nước có trên 156 cơ sở dạy nghề tham gia dạy nghề cho người khuyết tật, trong đó có 55 cơ sở dạy nghề chuyên biệt, 200 cơ sở có tham gia dạy nghề cho khoảng 25.000 người khuyết tật được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm thông qua chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong số người khuyết tật, tỷ lệ phụ nữ chiếm 58%, còn lại 42% là nam giới. Công việc của họ chủ yếu là phụ giúp gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp nhưng không ổn định, thu nhập thấp.
Mặc dù những năm qua Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến người khuyết tật nhưng hiện vẫn còn hơn 2 triệu người khuyết tật chưa có việc làm với nhiều bất cập, vướng mắc, chưa thu hút được người khuyết tật học nghề.
Rõ ràng để người khuyết tật tìm được việc làm thì trước tiên người khuyết tật phải được đào tạo nghề. Tuy nhiên, việc dạy nghề và đào tạo nghề cho người khuyết tật vẫn còn nhiều hạn chế. Khó khăn trong dạy nghề là thế nhưng việc tiếp cận với việc làm còn khó hơn. Tại các trung tâm tìm việc, những sàn giao dịch việc làm thì tỷ lệ người khuyết tật tìm được công việc cũng không cao.
Rất nhiều người khuyết tật đủ năng lực trình độ tham gia thị trường lao động, tuy nhiên đối với không ít doanh nghiệp, họ vẫn nghi ngờ năng lực trình độ người khuyết tật nên dè dặt trong việc tiếp nhận đối tượng là người khuyết tật.
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 300.000 người khuyết tật được dạy nghề và tạo việc làm. Vì vậy cần phải có những giải pháp và hành động mạnh mẽ hơn nữa trong việc phát triển các mô hình dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật, nhất là tại các tổ chức, doanh nghiệp nhằm mở rộng cơ hội việc làm cho người khuyết tật. Muốn thế, điều mấu chốt là phải có nguồn ngân sách riêng đào tạo nghề, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cải tạo môi trường lao động, có kinh phí cho đào tạo nghề khuyết tật chứ không phải dành hết cho trung tâm dạy nghề. Tiếp theo phải tư vấn cho họ học nghề phù hợp tại nơi sinh sống. Và cuối cùng theo các chuyên gia về luật, thời gian tới nên sửa đổi Luật người khuyết tật, trong đó quy định các doanh nghiệp buộc phải nhận một tỉ lệ nhất định người khuyết tật như Pháp lệnh người khuyết tật năm 1998 đã quy định. Có như thế mới nâng cao trách nhiệm xã hội đối với các doanh nghiệp, tăng cơ hội học nghề và tìm việc đối với người khuyết tật.