Đại diện nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng và tiểu thương ở nhiều chợ bán lẻ tại Hà Nội, TP.HCM cho hay, giá cả trong các tháng tới sẽ bắt đầu tăng. Giá tăng một phần do cớ: Chịu tác động của tăng giá điện và giá xăng tăng mạnh. Chủ nhiều doanh nghiệp ngành xây dựng như sắt, thép, xi măng..., thậm chí giá nhân công xây dựng cũng đang “nước nổi, bèo nổi” tăng theo. Dòng xoáy tăng giá dần xuất hiện.
Gần như tiên phong trong nhóm các doanh nghiệp sản xuất, đại diện nhiều doanh nghiệp ngành xi măng cho hay, chi phí điện chiếm trên 10% chi phí sản xuất khiến sản xuất clinker đội thêm khoảng 7.500 đồng/tấn và xi măng tăng thêm khoảng 20.000 đồng/tấn. Với các doanh nghiệp ngành thép, mức tăng giá cũng trong khoảng từ 100.000 - 200.000 đồng/tấn. So với mức tăng giá điện 8,36% từ cuối tháng 3/2019, mức tăng này của các doanh nghiệp có gì đó sai sai. Về bản chất, nhiều doanh nghiệp ngành thép và xi măng đã rục rịch tăng giá bán lên khoảng 10% ngay từ sau Tết Nguyên đán, trước cả thời điểm tăng giá điện chính thức được áp dụng. Việc doanh nghiệp “đón sóng” vin cớ giá điện tăng để tăng giá bán là chuyện có thể hiểu và nhìn thấy khá rõ.
Với các mặt hàng thiết yếu và vận tải, giá hàng hóa tăng cũng được thông báo với lý do giá xăng tăng quá mạnh nên phải tăng giá để bù đắp chi phí, do chi phí nhiên liệu chiếm đến 35% giá cước vận tải. Do đó, giá xăng dầu tăng đương nhiên ảnh hưởng đến cước vận tải. Phần lớn hợp đồng vận tải được ký kết dài hạn nên khi giá xăng dầu tăng buộc chủ xe phải đàm phán lại với khách hàng.
Với mức tăng mới này, các doanh nghiệp phải tiết kiệm điện, phải sử dụng điện vào thời điểm giá thấp như đêm và tính toán, tiền điện cũng như cước vận tải sao cho sản phẩm đầu ra tăng ở mức hợp lý. Nếu không thì doanh nghiệp trong nước không cạnh tranh được với hàng Thái Lan, Malaysia hay thị trường ASEAN. Thị trường giờ không còn là thị trường của chúng ta nữa mà của toàn khu vực. Ngoài yếu tố lạm phát, các doanh nghiệp phải cố gắng giữ thị trường trong nước, tránh thị trường trong nước rơi vào tay nước ngoài. Đây là nỗ lực vượt khó khăn sau tăng giá điện và xăng.
Các chuyên gia dự báo, một làn sóng tăng giá có thể cũng xảy ra với các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực. Nhưng nhìn tổng thể, mức tăng giá sẽ tập trung ở những
doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả. Tăng giá vì tác động giá xăng, giá điện chỉ là cái cớ để nhiều đơn vị tìm kiếm lợi nhuận gia tăng, bù đắp cho việc quản lý, kinh doanh yếu kém. Lý luận này cũng khá hợp lý khi nhiều doanh nghiệp sản xuất rất lớn tuyên bố không tăng giá bán để giữ chân khách hàng. Phần chi phí phát sinh được bù đắp từ việc tăng hiệu quả quản trị và tiết kiệm trong sản xuất. Điểm cộng sẽ được tính cho các doanh nghiệp có tầm nhìn xa, hướng tới người tiêu dùng bằng cách không tăng giá bán trong trường hợp này.
Nếu nhìn nhận thực tế, tác động của tăng giá chắc chắn là có nhưng tác động ở mức nào cần thời gian để kiểm chứng.
Thực chất, tâm lý người dân và doanh nghiệp không ai muốn tăng giá điện cũng như các loại năng lượng như xăng dầu..., nhưng để cân đối nền kinh tế một cách đa chiều thì cần thiết phải tăng. Hơn nữa, lý do chính của việc tăng giá điện là để tiến dần đến kinh tế thị trường. Trước đây, giá nguyên liệu đầu vào còn có yếu tố bảo trợ của Nhà nước nhưng nay giá đầu vào không được bảo trợ. Việc điều chỉnh giá điện cũng như các mặt hàng khác trong năm nay phải tương đối cân nhắc để đảm bảo không dồn việc tăng giá nhiều trong một năm sẽ dẫn đến bất ổn đối với nền kinh tế. Với lĩnh vực xăng dầu, người điều hành giá là cả một nghệ thuật, vừa để quỹ không được âm, vừa phải đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, lạm phát của Nhà nước, vừa hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Muốn như vậy thì người điều hành giá xăng dầu cần có chuyên môn sâu, tầm nhìn xa và chiến lược, bởi chỉ ít ngày nữa lại đến kỳ điều hành giá xăng dầu, nếu nhà quản lý không nắm vững và phân tích được cơ chế thị trường, những làn sóng tăng giá sẽ xảy ra khi giá xăng dầu tiếp tục tăng mạnh và tạo áp lực cho cả nền kinh tế.