Hà Nội

"Giải bài toán" sản xuất linh hoạt cho doanh nghiệp

19-08-2021 18:56 | Doanh nghiệp
google news

SKĐS - Mô hình sản xuất "3 tại chỗ" đã được triển khai khá thành công tại nhiều khu công nghiệp trên địa bàn các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang. Nhưng việc áp dụng với doanh nghiệp (DN) tại các tỉnh phía Nam thì gặp nhiều khó khăn, nhiều phương thức mới đã được đưa ra để DN chủ động lựa chọn…

Doanh nghiệp chật vật khi chi phí đội lên cao

Báo cáo về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa 7 tháng đầu năm của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 7 tháng qua, Việt Nam nhập siêu 2,5 tỷ USD (trong khi cùng kỳ xuất siêu 8,7 tỷ USD). Trong các mặt hàng xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực từng mang lại giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế như: đồ gỗ, giày dép, thủy sản, máy tính, sản phẩm điện tử, gạo, tiêu, cà phê, chè... đều giảm giá trị xuất khẩu so với tháng trước đó. Tương tự, với 10 nhóm hàng nhập khẩu chủ yếu, cũng có tới 8 nhóm giảm về trị giá trong tháng 7.

Bên cạnh đó, nửa cuối năm 2021, dự báo thu ngân sách sẽ đối mặt nhiều khó khăn do dịch COVID-19, đặc biệt là tại 22 tỉnh thành đang giãn cách xã hội. Đây là những tỉnh, thành có nguồn thu chiếm tới 64% tổng thu ngân sách cả nước (TPHCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu...).

Thời gian qua, phương án "3 tại chỗ" đã được áp dụng thành công ở Bắc Ninh, Bắc Giang, nhưng khi triển khai ở 19 tỉnh, thành phố phía Nam, trong đó có TP Hồ Chí Minh lại gặp nhiều bất cập.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên là do số lượng các doanh nghiệp cũng như công nhân ở các tỉnh phía Nam nhiều hơn hẳn Bắc Ninh, Bắc Giang, trong khi dịch đã lan rộng từ trước khi bắt đầu áp dụng "3 tại chỗ". Ngoài vấn đề chi phí để thiết lập phương án "3 tại chỗ", phương án này không thể đảm bảo duy trì được 100% lượng công nhân.

Nhiều lựa chọn sản xuất linh hoạt cho doanh nghiệp - Ảnh 1.

Nhiều DN gặp khó khăn khi bố trí sản xuất "3 tại chỗ"

Tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), khi áp dụng "3 tại chỗ", các khoản chi phí đã tăng hơn 2 lần so với bình thường. Ngoài tiền lương của người lao động như cũ, cộng thêm 70% lương trợ cấp, tương đương khoảng 200.000 đồng/ngày, ngoài ra còn thêm những khoản phát sinh phải chi trả như phí xét nghiệm COVID-19, chi phí ăn, ở cho người lao động. Như vậy, để áp dụng "3 tại chỗ" chi phí lương cho một lao động của Vinatex lên đến 20 triệu đồng, trong khi lương bình quân trước thời điểm dịch là hơn 8,5 triệu đồng.

Không chỉ áp lực tài chính, cơ sở hạ tầng, nhà xưởng để đảm bảo nơi ăn chốn ở theo mô hình "3 tại chỗ" cho hàng nghìn lao động của mỗi DN là không hề đơn giản. Điều này ảnh hưởng tới tâm lý của người lao động, cũng là ảnh hưởng tới năng suất, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Bổ sung những giải pháp linh hoạt hơn

Theo nhiều chuyên gia, cộng đồng DN Việt Nam chủ yếu là DN nhỏ và vừa, quy mô DN, năng lực sản xuất, nhu cầu sử dụng lao động khác nhau, các ngành chức năng cần xây dựng, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn phòng dịch để DN áp dụng phù hợp với nhu cầu của DN.

Trong văn bản khẩn vừa ban hành về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch từ ngày 15/8 đến 15/9, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu 5%-10% doanh nghiệp (DN) tổ chức sản xuất trở lại trong điều kiện an toàn phòng chống dịch, đồng thời tạo điều kiện và hướng dẫn DN tổ chức sản xuất an toàn theo 1 trong 4 phương án.

Phương án 1, DN tiếp tục thực hiện phương thức "3 tại chỗ" (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ) hoặc phương án "3 tại chỗ theo kíp" (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ luân phiên theo kíp sản xuất).

Nhiều lựa chọn sản xuất linh hoạt cho doanh nghiệp - Ảnh 2.

Nhiều phương án linh hoạt được đưa ra để DN chủ động lựa chọn

Phương án 2, DN tiếp tục thực hiện phương thức "1 cung đường - 2 địa điểm" hoặc phương án "1 cung đường - 2 địa điểm" mở rộng (doanh nghiệp tổ chức nhiều nơi lưu trú tập trung tại nhiều địa điểm khác nhau và tổ chức đưa đón công nhân từ nơi lưu trú tập trung đến nơi làm việc).

Phương án 3, DN tổ chức hoạt động theo phương châm "4 xanh" gồm: người lao động xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh, nơi ở xanh ("người lao động xanh" được đi lại bằng phương tiện cá nhân giữa "nơi làm việc xanh" và "nơi ở xanh" theo một "cung đường xanh" (không dừng, đỗ dọc đường và không đi ngang qua các các vùng có nguy cơ lây nhiễm cao và rất cao) trong các khung giờ phù hợp.

Phương án 4, DN có thể kết hợp phương thức tại các phương án nêu trên.

Theo ý kiến của các DN, "4 xanh" là phương án được nhiều DN lựa chọn nhất. DN tổ chức hoạt động theo phương án "4 xanh" gồm người lao động xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh và nơi ở xanh.

Ngoài ra, DN có thể linh hoạt, tổ chức sản xuất theo phương án kết hợp của các phương án trên.

Bên cạnh các phương án tổ chức lại sản xuất, TP.HCM cũng đang kiến nghị Chính phủ hỗ trợ xét nghiệm COVID-19 cho công nhân miễn phí, hỗ trợ phun thuốc khử khuẩn, tiêm vắc xin cùng với giảm chi phí như giá điện sản xuất hoặc miễn giá điện sinh hoạt của công nhân như đối với các khu cách ly.

Có thể thấy, việc tổ chức sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh đang khiến các DN gặp vô vàn khó khăn. Việc giảm các chi phí có thể, và đưa ra thêm các lựa chọn tổ chức sản xuất linh hoạt, phù hợp với thực tế để DN lựa chọn là những việc làm cấp bách.

Người khó khăn sẽ được hỗ trợ kịp thời


Minh Thu
Ý kiến của bạn