'Giải bài toán' hạn hán, xâm nhập mặn do nắng nóng kéo dài

22-04-2024 08:34 | Xã hội
google news

SKĐS - Trước nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các đơn vị liên quan chủ động các phương án để đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất.

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, do ảnh hưởng của El Nino, từ đầu năm đến nay lượng mưa ở nhiều vùng trên địa bàn bị thiếu hụt, nền nhiệt độ cao, nắng nóng kéo dài.

Dự báo của các cơ quan chuyên môn về khí tượng thủy văn, trong thời gian tới, nhiệt độ trung bình có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm, đặc biệt trong mùa hè. Nắng nóng có khả năng tiếp tục xuất hiện nhiều đợt và gay gắt hơn trung bình nhiều năm.

'Giải bài toán' hạn hán, xâm nhập mặn do nắng nóng kéo dài- Ảnh 1.

Công trình thủy lợi trên địa bàn huyện A Lưới hư hại, xuống cấp.

Tháng 4/2024, dự báo lượng mưa các địa phương trong tỉnh ở mức xấp xỉ và thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, nền nhiệt độ tại các địa phương ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 1-2 độ C. Nguy cơ xảy ra nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Tại huyện miền núi A Lưới, một số công trình thủy lợi xuống cấp, địa hình phức tạp dẫn đến nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, sản xuất. Ông Hồ A Lua, Chủ tịch UBND xã A Roàng cho biết, toàn xã có 27 công trình thủy lợi vừa và nhỏ. Tuy nhiên, chỉ có 10 công trình được kiên cố hóa, còn lại được dẫn dòng, đắp bằng đất đá tạm nên thường xuyên hư hỏng.

'Giải bài toán' hạn hán, xâm nhập mặn do nắng nóng kéo dài- Ảnh 2.

Các địa phương tiến hành nạo vét, gia cố kênh mương thủy lợi.

"Vào mùa vụ, xã huy động nhân lực, cùng sự hỗ trợ của lực lượng Bộ đội biên phòng để gia cố, đắp tạm các đập, kênh dẫn nước phục vụ sản xuất. Lâu dài, cần có kinh phí đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi, kênh mương để chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất", ông Lua nói.

Trong khi đó, Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Thừa Thiên Huế hiện đang quản lý vận hành phục vụ tưới trên địa bàn A Lưới gồm 16 hồ chứa, 3 trạm bơm điện và 53 đập dâng lớn nhỏ để phục vụ cho khoảng 800 hecta lúa và 86 hecta nuôi cá nước ngọt, phần lớn phụ thuộc vào nguồn nước bổ sung giữa thời vụ.

Trong trường hợp nắng hạn kéo dài, lượng nước bốc hơi nhanh làm cho các khe, suối cạn kiệt sẽ gặp khó khăn không có nguồn nước để tưới. Do đó, nhiều khả năng sẽ thiếu nước diện rộng ở một số vùng đất trồng lúa, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện A Lưới…

Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Văn Hoà, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, ngay từ đầu năm tỉnh ban hành kế hoạch sử dụng nước các tháng mùa khô và chỉ thị đảm bảo nguồn nước, chống hạn. Theo đó, tổng lượng nước các hồ chứa dự kiến phải đáp ứng, cấp cho hạ du trong mùa khô năm 2024 là 2.504,4 triệu mét khối. Đối với Thừa Thiên Huế, đến nay cơ bản đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất và các ngành kinh tế khác.

Ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, để phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn nhằm hạn chế thiệt hại đối với sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến đời sống người dân yêu cầu các đơn vị địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến và dự báo về thời tiết, khí tượng, thủy văn, nguồn nước, xâm nhập mặn.

'Giải bài toán' hạn hán, xâm nhập mặn do nắng nóng kéo dài- Ảnh 3.

Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các địa phương triển khai các giải pháp để phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

"Trường hợp xảy ra thiếu nước không bảo đảm cung cấp đủ cho các nhu cầu sử dụng, phải ưu tiên cấp đủ nước cho sinh hoạt, tưới cho cây lâu năm có giá trị kinh tế cao và các nhu cầu thiết yếu khác. Vận hành hiệu quả các hệ thống, công trình thủy lợi để lấy nước, chủ động trữ nước bảo đảm đáp ứng nhu cầu tối thiểu nước tưới cho cây trồng khi xảy ra thiếu nước, hạn chế thiệt hại đối với sản xuất", lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng chỉ đạo các địa phương xác định khu vực có nguy cơ xảy ra thiếu nước sinh hoạt để tổ chức triển khai giải pháp bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, không để người dân thiếu nước sinh hoạt, trường hợp cần thiết phải huy động lực lượng, phương tiện vận chuyển nước để cung cấp cho người dân...

Phát tin cảnh báo hạn hán và sụt lún đất ở Tây Nguyên và Trung BộPhát tin cảnh báo hạn hán và sụt lún đất ở Tây Nguyên và Trung Bộ

SKĐS - Cơ quan khí tượng vừa phát đi bản tin dự báo hạn hán và sạt lở đất, sụt lún đất do hạn hán ở Trung Bộ và Tây Nguyên với các điểm xảy ra thiên tai do hạn hán cụ thể.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Dự báo thời tiết mới nhất hôm nay ngày 22/4.


Hoàng Dũng
Ý kiến của bạn