"Giải bài toán" chênh lệch mức sinh giữa các vùng miền

30-11-2021 21:19 | Giới tính

SKĐS - Nước ta đang đứng trước thực trạng mức sinh chênh lệch giữa các vùng miền cao. Vậy làm cách nào giải bài toán này nhằm đảm bảo mức sinh hợp lý?

Theo kết quả cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, dân số nước ta là 96,2 triệu người, đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới. Sau 10 năm, quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 2009 – 2019 là 1,14%/năm.  

Tuy nhiên, Việt Nam đang có chênh lệch mức sinh rất cao. Hiện nay, cả nước có 33 tỉnh, thành phố có mức sinh cao, chủ yếu ở các tỉnh, thành miền núi phía Bắc (42% dân số); 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, chủ yếu ở các tỉnh, thành phía nam (39%).

Đáng lưu ý, mức sinh ở TP Hồ Chí Minh, đầu tàu kinh tế, lại ở nhóm thấp nhất cả nước (1,36 con).  Đồng Tháp (1,57 con); Cần Thơ (1,58 con), Cà Mau (1,62 con), Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu (1,7 con)... Trong khi đó, các tỉnh miền trung và Tây Nguyên lại đối mặt với tỷ suất sinh cao.

Cả nước chỉ có 9 tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế có quy mô dân số 19% gồm: Ninh Thuận, Quảng Ninh, Bình Định, Lâm Đồng, Phú Yên, Trà Vinh, Hải Phòng, Hà Nội và Bình Phước.

"Giải bài toán" chênh lệch mức sinh giữa các vùng miền - Ảnh 1.

Từ năm 2014, các tỉnh Đồng bằng sông Hồng có mức tăng cao trở lại nhanh như: Nam Định, Bắc Ninh, Ninh Bình, Bắc Trung bộ như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… đang có mức sinh 2,83 con, là vùng có mức sinh cao nhất cả nước. 

Trong khi mức sinh khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long đang ở mức thấp thì ở miền trung và Tây Nguyên, miền núi phía Bắc vẫn có mức sinh cao. Đây là thách thức, đòi hỏi công tác dân số cần có những biện pháp để cân đối mức sinh giữa các vùng, miền…

Theo các chuyên gia, dù nước ta đạt được mức sinh thay thế nhưng lại có sự chênh lệch mức sinh giữa các vùng miền cao. Điều này dẫn đến sự mất cân đối về dân số và phát triển xã hội.

Cụ thể, những vùng cao hơn mức sinh thay thế chủ yếu là những vùng khó khăn, kém phát triển. Điều kiện để tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao ở vùng đó rất thiếu thốn. Còn những vùng kinh tế lớn như TPHCM, Bình Dương… mức sinh thay thế lại rất thấp, nếu kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Như vậy sẽ tạo ra sự chênh lệch về mặt chất lượng dân số. Vùng tỷ lệ sinh cao càng khó phát triển hơn, vùng tỷ lệ sinh thấp thì đã phát triển cao thì lại càng hạ thấp xuống.  

Đánh giá về vấn đề này, tại Hội thảo cung cấp thông tin định hướng mới của chương trình dân số Việt Nam do Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tổ chức ngày 11/11/2020, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, điều chỉnh mức sinh hợp lý mang ý nghĩa sống còn không chỉ với chính sách dân số mà với các chính sách quốc gia. Bởi con người là động lực, là mục tiêu của sự phát triển trong xã hội hiện đại. Sự bất ổn về cơ cấu, quy mô dân số sẽ gây hệ lụy, ảnh hưởng đến sự phát triển của mỗi quốc gia. Việt Nam đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, nhưng cũng đã bước vào thời kỳ già hóa dân số, sự tận dụng cơ cấu dân số vàng chưa được triệt để đã phải đón nhận một quốc gia nhiều người già... sẽ gây ra nhiều hệ lụy lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mục tiêu phát triển đất nước. Vì vậy, điều chỉnh mức sinh hợp lý là giải pháp quan trọng nhất.

Còn ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - KHHGĐ, nguyên nhân khiến mức sinh thấp do xu hướng kết hôn muộn, không muốn đẻ, đẻ ít, đẻ thưa ngày càng cao; tỷ lệ đô thị hóa tăng và phát triển kinh tế dẫn đến áp lực tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi dạy và chăm sóc con… Còn mức sinh cao là do ảnh hưởng của văn hóa, tập quán và bất bình đẳng giới, xu hướng sinh nhiều con để có nhân lực tham gia lao động… Đây là những thách thức lớn đối với công tác dân số trong tương lai.

Để giải quyết tình trạng chênh lệch mức sinh giữa các vùng, miền, bảo đảm giữ vững mức sinh thay thế hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 588/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030".

 Quyết định đã đưa ra mục tiêu cụ thể: tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp; giảm 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những tỉnh, thành phố đã đạt mức sinh thay thế.

Như vậy, đối với địa phương có mức sinh cao, cần tiếp tục áp dụng và nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích cộng đồng không có người sinh con thứ ba trở lên; hỗ trợ người dân thực hiện các dịch vụ KHHGĐ.

Đối với địa phương đã đạt mức sinh thay thế và có mức sinh thấp, trước mắt cần rà soát, bãi bỏ các chính sách khuyến khích sinh con ít. Từng bước ban hành, thực hiện chính sách khuyến khích sinh đủ hai con áp dụng cho các gia đình, cộng đồng...

Quyết định cũng đưa ra các yêu cầu nhiệm vụ, hoạt động cần ưu tiên thực hiện đến mục tiêu giảm sinh, tiêu chí giảm sinh con thứ ba trở lên; sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con. Giao chính quyền các địa phương nghiên cứu, ban hành hỗ trợ, tư vấn, cung cấp dịch vụ hôn nhân và gia đình cho các cặp vợ chồng sinh đủ hai con...

Duy trì mức sinh thay thế, bảo đảm mức sinh hợp lý giữa các vùng, miền để trong tương lai, Việt Nam sẽ có được một quy mô dân số phù hợp diện tích lãnh thổ, bảo đảm cân đối, hài hòa giữa các độ tuổi. Việc duy trì tương đối ổn định tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động sẽ kéo dài cơ cấu "dân số vàng"; làm chậm lại thời gian chuyển đổi sang giai đoạn "già hóa dân số", cải thiện chất lượng dân số, góp phần vào sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước...


T.H
Ý kiến của bạn