Rõ ràng chúng ta có Giải Âm nhạc Cống hiến và còn được coi là một giải “Grammy” của nhạc Việt. Nếu nói rằng “Grammy” nhạc Việt không bao gồm nhạc thính phòng thì có lẽ giải thưởng này nên thay một cái tên khác - Giải Âm nhạc đại chúng Cống hiến hay Giải Nhạc trẻ Cống hiến chẳng hạn. Như thế, khán giả có lẽ đỡ bức xúc hơn khi mảng nhạc thính phòng không được đề cử.
![]() |
Đây là lần thứ 10 cuộc thi âm nhạc quốc tế Val Tidone được tổ chức và là lần thứ 3 Việt Nam cử đại diện tham dự. Trước đó, năm 2006, nghệ sĩ trẻ Lưu Hồng Quang (piano) đoạt giải Ba. Anh tiếp tục đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) ở lần thứ hai, năm 2008. Cũng năm 2008 còn có Trần Thị Thu Hương (accordeon) đoạt giải Tư và Lưu Đức Anh (piano) nhận bằng khen...
Tất nhiên, đó là những hào quang mà các nghệ sĩ thính phòng Việt Nam cảm nhận khi ở thị trường quốc tế. Còn ngay tại chính quê hương mình, đáng ngạc nhiên là những cống hiến của họ chẳng mấy khi được ghi nhận. Chấp nhận không phải là mảng âm nhạc đại chúng nên nhạc thính phòng có khán giả riêng, sân chơi của họ cũng khá kén chọn, nhưng mỗi khi các nhà hát sáng đèn thì ở đó có những đôi tai “nhảy nhót” theo nhạc và chỉ những nghệ sĩ tài năng mới có thể làm khán giả thỏa mãn đến thế. Người ta cũng hết lời ngợi khen những màn cộng hưởng của các nghệ sĩ thính phòng Việt Nam với các nghệ sĩ thính phòng đến từ Pháp, Italy, Nhật và nhiều quốc gia khác. Suốt thời gian qua, nhạc thính phòng Việt Nam hoạt động sôi nổi, cống hiến hết mình. Nhưng giải thưởng tôn vinh cống hiến của họ vẫn chưa “xuất hiện”.
Giải Âm nhạc Cống hiến của năm nay vừa kết thúc cách đây ít ngày cũng không thỏa mãn sự mong đợi của khán giả. Những người đoạt giải đều làm những gương mặt hoạt động mảng âm nhạc đại chúng, hoàn toàn không có sự đổi mới hay khác biệt trong cơ cấu trao giải so với những năm trước đây. Điều đáng ngạc nhiên là nhạc thính phòng lại được xuất hiện tại đây, nhưng không được tôn vinh mà các nghệ sĩ đến để biểu diễn và làm cho không gian của Âm nhạc Cống hiến 2013 thêm quy mô! Mục đích của BTC là tìm sự cộng hưởng giữa thính phòng và nhạc đại chúng. Nhưng tuyệt nhiên không thấy sự “cộng hưởng” trong cơ cấu trao giải. Nhạc thính phòng còn... chờ!
Nhiều mùa giải Cống hiến đi qua, nhưng chỉ những ca sĩ, nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc đại chúng được ban tổ chức quan tâm. Trước đó, người ta đã từng bỏ qua những cống hiến của nhạc thính phòng, năm 2010 là một năm được coi là có nhiều sản phẩm âm nhạc thính phòng ra đời và đến với công chúng. Không kể đến hàng trăm buổi hòa nhạc do Dàn nhạc giao hưởng Quốc gia, Dàn nhạc giao hưởng Hà Nội, Dàn nhạc dân tộc Việt Nam biểu diễn, trong đó đáng ghi nhận là vở thanh xướng kịch: Hoa Lư Thăng Long - bài ca dời đô của nhạc sĩ Doãn Nho, các sản phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng: Thế giới không chiến tranh (ca khúc thính phòng) và Hào khí Thăng Long (giao hưởng thơ)... Ðặc biệt, tác phẩm Hoa Lư Thăng Long - bài ca dời đô (viết trong 10 năm) được giới chuyên môn đánh giá cao bởi Việt Nam sau rất nhiều năm mới có được một tác phẩm âm nhạc tầm cỡ như vậy thật sự đến với công chúng. Nhưng tất cả đều chưa được ghi nhận, đó là điều rất đáng tiếc.
Mặc dù các nghệ sĩ theo đuổi dòng nhạc thính phòng vẫn nuôi hy vọng, trong những mùa giải sau, nếu có một sản phẩm âm nhạc thính phòng nào được các khán giả yêu mến thì sản phẩm âm nhạc ấy sẽ hiện diện trong đề cử của giải Cống hiến thì những bức xúc vẫn còn đó...
Nam Giang