1/3 người lớn ở Hoa Kỳ với 35% dân số trưởng thành không ngủ đủ giấc. Những ảnh hưởng của việc thiếu ngủ đối với não bộ không tương thích với khả năng học hỏi và hình thành những ký ức mới. Nghiên cứu mới nhấn mạnh các tác động thần kinh khác của việc ngủ không đủ giấc - đó là tăng độ nhạy cảm với đau.
Sự quan trọng của giấc ngủ
Giấc ngủ rất quan trọng đối với mỗi con người. Nếu một người kéo dài sự thiếu ngủ thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới hoạt động về thể chất cũng như tinh thần. Bởi giấc ngủ là một quá trình tích cực dưới sự kiểm soát của vỏ não và là một phần cơ bản của đời sống con người hàng ngày. Do đó, sau mỗi giấc ngủ, tinh thần của chúng ta được sảng khoái hơn, chức năng hoạt động của các cơ quan thần kinh được phục hồi, như vậy giấc ngủ có tác dụng bảo vệ vỏ não và hệ thần kinh của con người, nâng cao sức khỏe, chống suy nhược và lão hóa.
Giấc ngủ chất lượng tốt và đủ sẽ bảo đảm khôi phục chức năng sinh lý của vỏ não càng cao, giúp cho các cơ quan khác trong cơ thể như tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu hoạt động tốt. 1 người bình thường cần ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày, với trẻ em cần ngủ nhiều hơn.
Ngủ đủ giấc là chìa khóa để giảm đau mạn tính.
Giấc ngủ ảnh hưởng đến sự nhạy cảm của cơn đau như thế nào?
Rối loạn giấc ngủ sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của chúng ta. Một trong những rối loạn giấc ngủ hay gặp là chứng mất ngủ, đây là một trong những triệu chứng nghiêm trọng, không nên coi thường. Ngoài ra, rối loạn giấc ngủ có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng khác, đặc biệt nếu triệu chứng tồn tại và kéo dài mà không xử trí. Ngủ không đủ, các rối loạn ngủ nguyên phát, các tình trạng nội khoa và rối loạn tâm lý, ảnh hưởng của lối sống, dùng các thuốc hoặc các chất kích thích (cafein, nicotin...) cũng có thể gây ra rối loạn giấc ngủ, gây ngủ ngày quá nhiều... Không những thế, nó còn dẫn tới hoặc làm nặng thêm các rối loạn nội khoa, thần kinh khác làm giảm khả năng tập trung cũng như khả năng làm việc, gây rối loạn điều chỉnh cảm xúc, suy giảm chức năng sinh lý...
Việc thiếu ngủ làm suy yếu các cơ chế tự nhiên của não để giảm đau. Theo ước tính, tại Hoa Kỳ, hơn 20% dân số với khoảng 50 triệu người trưởng thành đang sống với các cơn đau mạn tính. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) cho biết, trung bình có khoảng 130 người ở Hoa Kỳ chết vì quá liều opioid mỗi ngày để giảm đau.
GS. Matthew Walker và TS. Adam Krause tại Đại học California ở Berkeley đã thực hiện nghiên cứu gây ra đau ở những người tham gia trẻ, khỏe mạnh. Các nhà khoa học đã tiến hành quét não, kiểm tra các mạch xử lý cơn đau và ghi lại các cơn đau của mỗi người tham gia. Kết quả, chấn thương là như nhau, nhưng có sự khác biệt trong việc não đánh giá cơn đau ở người ngủ không đủ giấc. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện ra rằng, có một bộ phận của vỏ não liên quan đến sự nhạy cảm với cơn đau, rất nhạy cảm ở những người không ngủ đủ giấc. Điều này khẳng định giả thuyết rằng, thiếu ngủ can thiệp vào các mạch thần kinh xử lý đau.
Một phát hiện đáng ngạc nhiên nữa là hoạt động của các hạt nhân accumbens giải phóng chất dẫn truyền thần kinh dopamine, làm tăng khoái cảm và giảm đau của não bị tụt lại thấp hơn bình thường sau một đêm mất ngủ. Các nhà khoa học cho rằng, mất ngủ không chỉ khuếch đại các vùng cảm giác đau trong não mà còn chặn các trung tâm giảm đau tự nhiên. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng lớp vỏ của não đánh giá tín hiệu đau và chuẩn bị phản ứng của cơ thể với cơn đau cũng hoạt động kém khi mất ngủ.
Để tái tạo phát hiện của họ, các nhà nghiên cứu cũng đã thực hiện một cuộc khảo sát với hơn 230 người trưởng thành. Những người tham gia đã báo cáo mô hình giấc ngủ và mức độ nhạy cảm đau của họ trong vài ngày.Các nhà khoa học phát hiện ra rằng những thay đổi nhỏ nhất trong kiểu ngủ của bệnh nhân cũng có liên quan đến độ nhạy cảm đau. Chính vì vậy, để có sức khỏe tốt, tránh các bệnh mạn tính, có thể kiểm soát các cơn đau, nên ngủ đủ giấc mỗi ngày.