Đến hẹn lại lên, cuối năm là dịp những giải thưởng nghệ thuật nói chung, giải thưởng âm nhạc nói riêng được tổ chức. Tính đến thời điểm này thì hầu hết những giải thưởng lớn nhỏ đã khởi động và định ngày trao thưởng. Giải thì nhiều nhưng có lẽ giá trị đích thực của chúng trong việc tôn vinh, định hướng thẩm mỹ âm nhạc, đưa những tác phẩm âm nhạc xuất sắc đến gần hơn với công chúng vẫn còn nhiều điều phải suy ngẫm…
Những luồng gió mát lành
Zing Music Awards (ZMA) - giải thưởng âm nhạc trực tuyến lớn nhất đã khởi động với 5 hạng mục giải thưởng chính và “Nghệ sĩ của năm” và “Nghệ sĩ mới của năm”. Ba hạng mục thuộc về tác phẩm vẫn được trao dựa trên số liệu xem, nghe, thích, bình luận, chia sẻ của cộng đồng mạng. Ngoài hạng mục “Nghệ sĩ của năm” thì hạng mục “Nghệ sĩ mới của năm” không do khán giả bình chọn như các năm trước mà do các nhà báo bình chọn. Hội đồng nghệ thuật gồm các nhạc sĩ Nguyễn Cường, Đức Trí, Huy Tuấn, Nguyễn Hải Phong, Lê Quang, Hoài Sa, Hồ Hoài Anh, đạo diễn Phạm Hoàng Nam và bà Trương Thị Dung (Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam). Với sự thay đổi này, Ban Tổ chức hy vọng sẽ lựa chọn được những gương mặt nghệ sĩ thực sự xứng đáng với danh hiệu.
Ca sĩ Hồ Ngọc Hà và Quang Linh trong Lễ trao giải âm nhạc ZMA năm 2013.
Giải Mai Vàng - một trong những giải thưởng nghệ thuật “xuất hiện” sớm nhất ở Việt Nam cũng có những thay đổi đáng mừng. Năm nay có thêm hạng mục “Ca sĩ hát nhạc truyền thống cách mạng” (tách từ hạng mục “Ca sĩ hát nhạc âm hưởng dân ca và truyền thống cách mạng”). Việc tách hẳn một hạng mục đã giúp công chúng dễ dàng để cử cho nghệ sĩ mà mình yêu thích nhất. Điều đáng chú ý là đã xuất hiện nhiều gương mặt mới đề cử cho Giải Mai Vàng năm nay như Bùi Anh Tuấn, Hoài Lâm, Thiện Nhân, Quang Linh, Nhóm FB BOIZ, The men, Ayor, Dòng thời gian… Tương tự Phương Mỹ Chi năm trước, Quán quân “Giọng hát Việt nhí” 2014 - Thiện Nhân được đề cử với số phiếu khá cao.
Hướng đến những người nghe nhạc trẻ là một xu thế dễ nhận thấy ở những bảng xếp hạng âm nhạc hiện nay. Bảng xếp hạng âm nhạc uy tín Làn sóng xanh của Đài Tiếng nói nhân dân TP. Hồ Chí Minh cũng có thay đổi để “tiệm cận” gần hơn với người trẻ. Năm nay, Ban Tổ chức quyết định mở hai giải mới là “Bài hát hiện tượng” và “Gương mặt hiện tượng”, trong đó, “Bài hát hiện tượng” phải nằm trong top 10 bài hát được yêu thích và tạo nên xu hướng, trào lưu mới trong năm. “Gương mặt hiện tượng” nhằm phát hiện, tôn vinh những thí sinh bước ra từ các cuộc thi âm nhạc hoặc gương mặt hoàn toàn mới. Hiện nay, 6 gương mặt đề cử hạng mục “Gương mặt phát hiện” do Hội đồng nghệ thuật bình chọn có nhóm Oplus, Hà Vân, Hòa Minzy, Thái Ngân, Hoài Thương, Trương Thảo Nhi. Có thể nhận thấy rằng, phần lớn những gương mặt được đề cử trong hạng mục này đều “bước ra” từ các chương trình truyền hình thực tế. Một sự thay đổi nữa là hạng mục “Ca sĩ triển vọng” sẽ được thay bằng giải “Nghệ sĩ mới” do Nhà báo và Hội đồng nghệ thuật bình chọn (thay vì để khán giả bình chọn như năm ngoái).
Có thể nhận định rằng, sự thay đổi trong hệ thống giải thưởng âm nhạc Việt là tín hiệu tích cực để giải thưởng âm nhạc ngày càng hoàn thiện, thực sự có ý nghĩa, đánh giá, tôn vinh đúng những nghệ sĩ, sản phẩm âm nhạc có giá trị.
Vẫn còn những băn khoăn…
Nhiều hạng mục giải thưởng âm nhạc ZMA dựa vào chỉ số Z - chỉ số intermet được đo từ hệ thống Zing như hiện nay rõ ràng chưa ổn. Chỉ số Z được tập hợp từ lượt xem/nghe (chiếm 40%), lượt thích (chiếm 15%), lượt bình luận chiếm 5% và lượt chia sẻ chiếm 40%. Khán giả không phải lúc nào cũng là những người “thông thái” để xem, nghe, thưởng thức, bình chọn cho những tác phẩm âm nhạc chân chính. Một thực tế đáng buồn là nhiều bạn trẻ nghe nhạc theo trào lưu, theo “mốt” dẫn đến tình trạng nhiều bài hát “dở” không có giá trị về âm nhạc cũng như ca từ lại được yêu thích. Bình chọn các hạng mục giải thưởng dựa vào chỉ số Z cũng dễ dẫn đến “cuộc chiến” của fan club. Và tất yếu, nghệ sĩ nào có nhiều fan và kêu gọi bình chọn tốt sẽ nắm chắc phần thắng trong cuộc chạy đua tin nhắn bình chọn.
Một vấn đề rất đáng bàn là: những nghệ sĩ vướng scandal có xứng đáng lọt vào danh sách bình chọn hay không. Việc ca sĩ Sơn Tùng M-TP xuất hiện trong top 3 đề cử hạng mục “Ca sĩ mới” của ZMA 2014 (cùng với Vũ Cát Tường và Hoài Lâm) một lần nữa gây nhiều tranh cãi. Đây cũng không phải là lần đầu tiên gương mặt đề cử ở ZMA gây “bão” trên các diễn đàn. Năm ngoái, việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng có tên trong danh sách đề cử “Nghệ sĩ của năm” cũng gây điều tương tự.
Sự xuất hiện nhiều giải thưởng vào dịp cuối năm cũng như không có nhiều gương mặt nghệ sĩ mới nổi trội đã khiến giải thưởng âm nhạc giảm sức hút đáng kể. Giải Mai Vàng năm nay đã bước vào tuổi 20 - một trong những giải thưởng uy tín cũng không còn “hot” như vài năm về trước. Ban Tổ chức cho biết, năm nay, có rất nhiều hạng mục không đủ 5 ứng viên tham gia tranh tài. Ví dụ, hạng mục “Nam ca sĩ hát nhạc nhẹ”, “Ca sĩ hát nhạc truyền thống cách mạng” chỉ có 4 ứng viên. Thậm chí, hạng mục “Nữ ca sĩ hát nhạc nhẹ” chỉ có 3 ứng viên. Đây là trường hợp chưa có trong tiền lệ của giải Mai Vàng.
Duy trì những giải thưởng âm nhạc để qua đó vẽ nên bức tranh về âm nhạc Việt Nam là điều rất cần thiết. Ghi nhận thành tựu, tôn vinh đóng góp của các nghệ sĩ, định hướng, đưa công chúng đến với những tác phẩm âm nhạc đích thực là ý nghĩa to lớn mà giải thưởng âm nhạc hướng đến. Tuy nhiên, những giải thưởng âm nhạc Việt hiện nay chưa làm được điều này. Âm nhạc đích thực và “trình độ” thưởng thức âm nhạc của khán giả vẫn còn khoảng cách nhất định. Trong thời kỳ “quá độ” đó, việc “phó thác” giải thưởng vào “tay” khán giả sẽ ít nhiều tạo ra các “giá trị ảo” do bình chọn. Những “cơn gió ngược” này hẳn sẽ làm không ít những nghệ sĩ đích thực có những sản phẩm chất lượng phải… thở dài bởi vì “bình chọn” chưa bao giờ được xem là “cuộc đua công bằng” cho các giải thưởng…
Tường Phạm