Đây quả là thêm một tin tức chả mấy vui vẻ gì cho “gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc”, khi trước đó Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) thẳng tay loại bỏ Huawei ra khỏi danh sách trợ cấp hàng tỷ USD cho phát triển băng thông rộng liên bang.
Khi “đối tác” quay lưng
Trước khi có thông tin trên, Chính phủ Anh từng nhận định Huawei là “nhà cung cấp rủi ro cao” và hạn chế sự tham gia của tập đoàn thiết bị viễn thông Trung Quốc trong mạng 5G của nước này ở mức 35%. Đồng thời, Huawei cũng bị loại trừ khỏi mạng lưới dữ liệu quan trọng ở Anh.
Mạng 5G của Huawei bị ảnh hưởng bởi căng thẳng kinh tế Mỹ - Trung.
Một báo cáo do Trung tâm An ninh Mạng Quốc gia trực thuộc Cơ quan Tình báo tín hiệu Anh (GCHQ) soạn thảo khẳng định: Lệnh cấm vận của Mỹ chống Huawei đã có “tác động nghiêm trọng” tới tập đoàn này, đẩy Huawei phải sử dụng công nghệ “không đáng tin”. Việc này sẽ khiến Anh khó kiểm soát hệ thống 5G trong tương lai.
Trong khi đó, Giám đốc Cơ quan An ninh mạng của Pháp (ANSSI) - ông Guillaume Poupard tuyên bố sẽ không có lệnh cấm hoàn toàn việc sử dụng các thiết bị của Tập đoàn Huawei khi thiết lập mạng lưới viễn thông 5G của nước này, song ông Poupard nhấn mạnh cần phải thúc đẩy các công ty viễn thông Pháp phát triển để tránh tình trạng phụ thuộc vào tập đoàn Trung Quốc. “Điều tôi có thể nói là sẽ không có lệnh cấm hoàn toàn. Đối với các nhà điều hành hiện không sử dụng thiết bị của Huawei thì chúng tôi khuyến khích họ không sử dụng nó bởi vì đó là một quá trình tự nhiên” - ông Poupard nêu rõ.
Tại Đức, một số nhà lập pháp cho rằng Huawei là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và cần bị loại bỏ hoàn toàn. Song Chính phủ liên minh của Thủ tướng Angela Merkel vẫn chưa đồng tình với quan điểm này. Trước áp lực gia tăng từ Mỹ và Trung Quốc, Đức sẽ phải hoàn thành bộ quy tắc phát triển mạng di động 5G trong tháng 9.
Về phía Mỹ, Bộ Thương mại nước này đã ra thông báo sẽ áp đặt các biện pháp hạn chế đối với Huawei trong việc mua các thiết bị bán dẫn là sản phẩm trực tiếp của một số công nghệ và phần mềm Mỹ.
Tan vỡ “giấc mơ” 5G?
Bà Carisa Nietsche, nhà nghiên cứu tại Trung tâm An ninh Mỹ mới nhận định những tuyên bố trên của Anh, Pháp, Đức là “đòn phủ đầu” đối với Huawei. “Sự thay đổi đang bắt đầu ở châu Âu” - bà Nietsche cho hay.
Song song với đó, những lệnh trừng phạt nặng nề từ Mỹ như cấm các công ty Mỹ bán công nghệ và vật tư mà không được cấp phép cho Huawei, hay thẳng tay loại bỏ Huawei ra khỏi danh sách trợ cấp hàng tỷ USD cho phát triển băng thông rộng liên bang... khiến Huawei bị “tổn thương” sâu sắc.
Nhà phân tích Edison Lee tại Jefferies cho hay: “Dựa trên quy tắc xuất khẩu trực tiếp hiện tại mà Mỹ đặt ra, việc kinh doanh thiết bị 5G của Huawei đang gặp nguy hiểm. Nếu luật không thay đổi và căng thẳng Mỹ - Trung không xuống thang, tôi nghĩ có nguy cơ lớn Huawei sẽ ngừng cung cấp thiết bị 5G từ đầu năm tới”.
Huawei, ngày 6/7, tuyên bố vẫn để ngỏ khả năng thảo luận với Chính phủ Anh, đồng thời đang phối hợp chặt chẽ với các khách hàng nhằm tìm cách giải quyết những biện pháp hạn chế được Mỹ đề xuất để Anh có thể giữ vững vị thế đi đầu trong mạng 5G.