Giác mạc chóp dễ bị nhầm lẫn với cận loạn thị

09-01-2023 16:00 | Y học 360
google news

Bệnh giác mạc chóp có thể gây ra thị lực mờ, thường ảnh hưởng cả hai mắt nên dễ bị nhầm lẫn với cận và loạn thị. Việc phát hiện và điều trị sớm sẽ hạn chế các ảnh hưởng về lâu dài. Đó là cảnh báo của các chuyên gia nhãn khoa thuộc Bệnh viện Mắt Hà Nội 2.

Giác mạc chóp là gì?

Giác mạc là phần trong suốt bao phủ con ngươi, mống mắt và khoang trước, cho phép ánh sáng đi vào mắt. Độ dày trung tâm của giác mạc trung bình là khoảng 550 micromet.

Theo các chuyên gia nhãn khoa, giác mạc là bộ phận nằm phía trước nhãn cầu, có cấu tạo mỏng, trong suốt. Khi mắt hoạt động bình thường, giác mạc sẽ trong suốt và cong đều đặn từ trung tâm ra ngoại vi mắt.

photo-1672815547211

Giác mạc chóp

Còn ở người có bệnh lý giác mạc hình chóp, phần trung tâm hoặc cạnh trung tâm phía dưới của giác mạc sẽ bị tiêu mỏng, giãn phình ra ngoài tạo thành giác mạc hình chóp hay giác mạc hình nón. Các nhà khoa học giải thích đây là do các sợi protein nhỏ trong mắt (collagen) vốn làm nhiệm vụ giữ giác mạc ở đúng vị trí. Khi những sợi protein này yếu đi, chúng không còn khả năng giữ cho giác mạc đúng hình dạng mà ngày càng biến dạng thành hình nón, hình chóp. Bên cạnh đó, khi cơ thể không còn đủ chất chống oxy hóa để bảo vệ giác mạc cũng khiến giác mạc bị giãn và biến dạng phồng lên…

Khi bị bệnh giác mạc chóp, bệnh có thể gây ra thị lực mờ và khiến bệnh nhân nhạy cảm với ánh sáng. Giác mạc chóp thường ảnh hưởng đến cả hai mắt và thường bắt đầu xuất hiện từ độ tuổi 10 đến 25. Tình trạng bệnh có thể tiến triển chậm trong 10 năm hoặc lâu hơn.

Vì sao bệnh giác mạc chóp dễ nhầm lẫn với cận, loạn thị?

Bệnh giác mạc chóp có nhiều biểu hiện ban đầu giống với cận – loạn thị, vì thế nhiều người hay bị nhầm lẫn dẫn đến chủ quan thăm khám bệnh muộn làm ảnh hưởng đến thị lực nặng.

Cụ thể, biểu hiện đầu tiên, đặc trưng của giác mạc hình chóp là thị lực mờ, thay kính liên tục và nhạy cảm với ánh sáng… Bệnh ảnh hưởng đến cả hai mắt và bắt đầu xuất hiện thường từ 10 tuổi trở lên.

Khi bị giác mạc chóp tầm nhìn có thể bị thay đổi: Khi giác mạc thay đổi từ hình cầu sang hình chóp, bề mặt nhẵn sẽ trở nên gợn sóng, lúc đó được gọi là loạn thị không đều.

Tình trạng cận thị càng tiến triển nặng hơn, chỉ có thể nhìn rõ các vật thể khi chúng ở gần; nhìn xa hơn, sẽ thấy mọi thứ mờ ảo, méo mó.

Ngoài ra, còn có các triệu chứng khác như hiện tượng song thị, nhìn đôi: nhìn 1 vật thành 2; nhìn các vật thể ở gần và xa bị mờ; bị vệt sáng, luôn cảm giác có quầng sáng xung quanh bóng đèn, tầm nhìn bị mờ gây khó khăn khi điều khiển xe và các hoạt động khác…

Ở giai đoạn muộn, giác mạc sẽ bị phù, mờ đục và để lại sẹo giác mạc.

photo-1672815552330

Điều trị bệnh giác mạc chóp như thế nào?

Bệnh giác mạc hình chóp thường bị chẩn đoán nhầm với loạn cận thị, nhược thị. Nếu chẩn đoán chỉ dựa vào các dấu hiệu thăm khám trên sinh hiển vi thì thường chỉ phát hiện được bệnh ở giai đoạn muộn. Muốn phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, cần dựa vào khai thác tiền sử có dấu hiệu gợi ý như thường xuyên thay đổi số kính gọng, thay đổi độ loạn thị trong độ tuổi 16-25, đặc biệt khi soi bóng đồng tử thấy có dấu hiệu cắt kéo. Khi có dấu hiệu nghi ngờ, cần cho bệnh nhân chụp bản đồ giác mạc giúp chẩn đoán xác định.

Tùy vào giai đoạn sẽ có các cách điều trị phù hợp. Như giai đoạn sớm, khi loạn thị giác mạc chưa nhiều thì có thể điều chỉnh bằng kính gọng hoặc kính tiếp xúc (kính áp tròng) mềm giống như tật khúc xạ thông thường.

Ở giai đoạn nặng hơn, giác mạc bị biến đổi, gồ ghề không đều (loạn thị không đều) nhưng còn trong suốt, kính gọng hay kính tiếp xúc mềm không còn có tác dụng làm cải thiện thị lực. Khi đó, việc sử dụng kính tiếp xúc cứng sẽ giúp cải thiện thị lực đáng kể, rõ rệt. Tùy vào mức độ, hình thái cụ thể mà có thể kê kính tiếp xúc có thiết kế, thông số thay đổi khác nhau, thậm chí có những thiết kế kính sử dụng phối hợp cả kính tiếp xúc cứng và mềm.

Ở giai đoạn muộn, khi giác mạc đã bị phù hoặc để lại sẹo giác mạc, việc sử dụng kính tiếp xúc sẽ không còn phù hợp, bệnh nhân cần được ghép giác mạc để phục hồi thị lực.

photo-1672815559833

Máy chụp giác mạc tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2

Hiện nay, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 với đội ngũ chuyên gia giỏi, trang thiết bị y tế tiên tiến, đặc biệt là máy chụp bản đồ giác mạc không chỉ giúp chẩn đoán bệnh chính xác mà giúp sàng lọc sớm bệnh nhân có nghi ngờ giác mạc chóp - một trong những vai trò hữu ích nhất của phương pháp chụp bản đồ giác mạc.

Thông qua việc chụp bản đồ giác mạc, các bác sĩ nhãn khoa có thể theo dõi sự tiến triển của bệnh cũng như có cơ sở đưa ra phương pháp điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân như thực hiện phương pháp cross linking hoặc đeo kính củng mạc.

photo-1672815564379


PV
Ý kiến của bạn