Giác hơi sao cho an toàn và hiệu quả

SKĐS - Theo quan niệm của Đông y, giác hơi dùng lửa cũng có nghĩa là nhiệt nên được sử dụng chủ yếu để chữa các chứng bệnh do hàn (lạnh) gây ra.

Nếu dùng giác hơi để chữa các chứng bệnh do nhiệt gây ra, bệnh chỉ nặng thêm. Thông thường, giác hơi chữa các chứng đau do hàn như: đau bụng, đau lưng, đau vai, đau gáy, đau cổ...

Môi trường chân không trong ống giác kéo da lên trên bên trong của ống giác có tác dụng mở các lỗ chân lông của da, giúp kích thích dòng chảy của máu, cân bằng và điều chỉnh dòng chảy của khí, phá vỡ các chướng ngại vật, và tạo ra một cánh cửa cho độc tố được rút ra khỏi cơ thể.

Chân không được tạo ra từ giác hơi gây ra sự giãn nở cục bộ của mô.Điều này tạo điều kiện cho phản ứng giãn mạch sâu để tăng lưu thông / lưu lượng máu đến các khu vực hạn và làm giảm đau.Tăng lưu thông máu giúp cải thiện việc cung cấp oxy và chuyển hóa tế bào, làm giảm viêm.

Giác hơi được sử dụng chủ yếu để điều trị một số bệnh hô hấp như: viêm phế quản, hen suyễn, viêm khớp, rối loạn tiêu hóa, và một số loại đau. Người ta cũng sử dụng giác hơi để điều trị trầm cảm và làm giảm sưng.

Ngoài các hình thức truyền thống của giác hơi mô tả ở trên, được gọi là giác hơi “khô”, một số người cũng sử dụng phương pháp được gọi là “ướt” hoặc giác “khí”.

Trong giác hơi “khí”, thay vì sử dụng một ngọn lửa để đốt ống giác, ống giác “khí” được áp lên da, và một bơm hút được gắn vào đuôi tròn của ống giác. Bơm này sau đó được sử dụng để tạo ra chân không.

Trong giác hơi “ướt”, da bị chích trước khi đặt ống giác.Khi ống giác được áp vào da và da được hút lên, một lượng nhỏ máu có thể chảy từ vùng lấy máu, được cho là để giúp loại bỏ các chất độc hại và các chất độc khỏi cơ thể.

Giác hơi sao cho an toàn và hiệu quả

Vị trí trên cơ thể nên và không nên giác hơi

Liệu pháp giác chỉ nên thực hiện ở những vị trí có cơ bắp đầy đặn và lớp mỡ dưới da vừa phải. Không giác ở nơi có mạch máu nông, vùng tim đập, vùng da quá non và có sẹo, vùng mắt, mũi, môi, đầu vú, vùng da nhão có nhiều nếp nhăn.

Chỗ giác lần trước nếu vẫn còn dấu vết không giác lại nơi đó nữa. Vùng thắt lưng cùng, vùng bụng dưới và vùng vú của thai phụ, vùng da mất tính đàn hồi...

Trường hợp không nên giác hơi

- Các bất thường về da: da bị trầy xước, da bị viêm, bệnh da liễu (lang ben, hắc lào, chàm, vẩy nến….).

- Các trường hợp sốt cao hoặc co giật.

- Không giác hơi cho người có bệnh tim, bệnh thận, phổi, bệnh ưa chảy máu, người dễ bị xuất huyết dưới da, suy giảm tiểu cầu, bệnh máu trắng.

- Phù toàn thân.

- Bệnh tâm thần giai đoạn tiến triển, động kinh, suy nhược thần kinh và suy nhược cơ thể quá mức.

- Giãn tĩnh mạch nơi giác.

- Huyết khối tĩnh mạch sâu.

- Trẻ em dưới 4 tuổi không nên dùng liệu pháp giác hơi.Trẻ lớn hơn chỉ nên được điều trị trong thời gian rất ngắn.

- Người cao tuổi: Da trở nên mỏng manh hơn và cơ trở nên mềm nhão hơn khi chúng ta già đi. Giác hơi làm ảnh hưởng đến da và cơ cần thận trọng và không nên để ống giác quá lâu.

- Không giác hơi nếu bạn sử dụngthuốc chống đông máu.

- Những người bị ung thư di căn.

- Những người bị gãy xương hoặc hay bị chuột rút.

- Người đang trong tình trạng say rượu, quá mệt mỏi, quá no hoặc quá đói...

- Giác trên vùng có động mạch hoặc tĩnh mạch lớn.

Một số biến chứng của giác hơi

- Giác hơi có thể gây ra tác dụng phụ như đổi màu da dai dẳng, sẹo, bỏng và nhiễm trùng, và có thể làm nặng thêm bệnh chàm hoặc bệnh vẩy nến.

- Các trường hợp hiếm gặp về tác dụng phụ nghiêm trọng đã được báo cáo, chẳng hạn như chảy máu bên trong hộp sọ (sau khi giác hơi trên da đầu) và thiếu máu do mất máu (giác hơi có chích lễ).

- Thiết bị giác hơi có thể bị nhiễm máu, sử dụng cùng một ống giác hơi trên nhiều người, mà không khử trùng giữa các bệnh nhân, có thể lây lan các bệnh lây truyền qua đường máu như viêm gan B và C.

Một số chú ý về môi trường và phương tiện dụng cụ cho giác hơi

- Không nên giác ở ngoài trời, ở những nơi quá nóng hoặc quá lạnh để phòng ngừa cảm nhiễm phong hàn, phong nhiệt. Tuyệt đối không nên giác ngoài bãi biển, hoặc trong phòng có máy lạnh đang để ở nhiệt độ thấp.Nên tiến hành thủ thuật trong phòng có nhiệt độ vừa phải và không có gió lùa, những vùng không giác hơi cần đắp chăn giữ ấm.

- Gối, drap trải giường phải sạch sẽ; nếu được mỗi người sử dụng drap riêng để phòng bệnh ngoài da lây lan

- Bộ ống giác phải được khử trùng sạch sẽ, nếu được mỗi người nên sử dụng bộ ống riêng.

- Tại gia đình nên sử dụng bộ ống giác hút khí thay vì phải dùng lửa đề phòng hỏa hoạn và gây phỏng

- Cần kiểm tra ống giác có bị sứt mẻ, nứt vỡ trước khi sử dụng.

- Kiểm tra thành miệng ống giác có sắc bén không, có khả năng gây trầy xước không vì lực hút chân không sẽ hằn miệng ống giác lên da người bệnh.

- Giác hơi bằng lửa cần chú ý đựng chất đốt riêng trong vật chứa dễ phân biệt, không đổ chất đốt vào một trong các ống giác hơi. Để chất đốt ở góc riêng xa nơi giác hơi, khi cần sử dụng chất đốt, tiến lại khu vực đó thấm ướt cây mồi lửa rồi tiến đến gần giường người bệnh mới châm lửa.Quan sát cây mồi lửa trước khi đốt, vật liệu thấm chất đốt phải được kẹp, được giữ chắc chắn, không bị rơi ra khi đang đốt.

- Trong khi giác, cần chú ý hỏi cảm giác của người bệnh và chú ý quan sát phản ứng tại chỗ và toàn thân của bệnh nhân.Người bệnh có thể cảm thấy chỗ giác nóng, căng, buồn, ấm áp dễ chịu và buồn ngủ, đó là hiện tượng bình thường, Đông y gọi là đắc khí. Nếu thấy xuất hiện các triệu chứng như: choáng váng, hoa mắt, đau đầu, buồn nôn, ớn lạnh, vã mồ hôi nhiều... cần báo cho kỹ thuật viên ngừng ngay để xử trí kịp thời.

- Khi gỡ ống giác hơi lấy ngón tay ấn nhẹ một bên ống cho không khí tràn vào, gỡ ống ra dễ dàng mà không làm đau người bệnh. Giật mạnh lên kéo căng da sẽ làm đau người bệnh.

- Lau khô da sau khi giác hơi.

- Sau giác hơi cần được giữ ấm và nghỉ ngơi.

Giác hơi là phương pháp hay nhưng khi sử dụng phải hết sức thận trọng. Tốt nhất nên đến cơ sở y tế để được tư vấn cho từng trường hợp.Giác hơi không đơn giản như bạn nghĩ, có nhiều đối tượng có chống chỉ định đối với giác hơi.


BS.CKII.HUỲNH TẤN VŨ
Ý kiến của bạn