với những biểu hiện: Ho, hắt hơi, ngạt mũi, chảy nước mũi, đau nhức cơ bắp, cảm giác gai rét, ớn lạnh sốt nhẹ. Trường hợp này, y học cổ truyền gọi là chứng “Cảm mạo phong hàn”.
Giác hơi là một phương pháp điều trị cảm mạo phong hàn hiệu quả, không dùng thuốc, không gây tác dụng phụ. Giác hơi điều trị cảm cúm là một quy trình kỹ thuật được Bộ Y tế cho phép và sử dụng rộng rãi tại các bệnh viện Y học cổ truyền.
Y học hiện đại: Cảm lạnh là một nhóm các triệu chứng gây ra bởi nhiều loại virus khác nhau, thường gặp nhất là các chủng Rhinovirus, riêng virus này lại có tới hơn 100 chủng khác khác nhau. Các loại virus khác cũng gây cảm lạnh có thể kể đến là Enterovirus, Coronavirus... Với bệnh cảm lạnh thông thường, chủ yếu ảnh hưởng tới mũi, họng (viêm họng), và các xoang (viêm xoang). Người bệnh thường sẽ ngạt mũi, chảy nước mũi, sốt nhẹ, ho có đờm, cơ thể mệt mỏi.
Y học cổ truyền: Phong, hàn là hai thứ trong lục khí: phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa. Phong là gió, chủ khí về mùa xuân; hàn là lạnh, chủ khí về mùa đông. Khi thời tiết thay đổi trái thường, cơ thể không thể thích nghi kịp, tà khí (phong, hàn) sẽ xâm nhập vào cơ thể mà sinh ra bệnh. Cảm mạo phong hàn xâm phạm vào da, phế làm mất công năng tuyên giáng của phế, kèm thêm vệ khí bị trở ngại phát sinh ra các chứng: ho, sợ gió, sợ lạnh, nhức đầu, ngạt mũi, mạch phù khẩn. Điều trị, cơ bản là giải cảm, tán tà. Triệu chứng: Sốt nhẹ, sợ gió, sợ lạnh nhiều, không mồ hôi, đau đầu, ngạt mũi, chảy mũi, người đau ê ẩm, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù.
Giác hơi sử dụng những chiếc cốc chuyên dụng, một liệu pháp dùng nhiệt độ cao làm giãn nở đẩy không khí ra bên ngoài. Tạo áp suất âm trong lòng ống giác, gây ra kích thích vật lý và áp lực nhân tạo trong lòng giác làm vỡ mao mạch bị tắc nghẽn. Huy động dòng máu tuần hoàn đến sửa chữa chức năng, hấp thụ tế bào máu bị hoại tử. Kích thích tinh khí, điều hòa khí huyết nhằm cải thiện và điều tiết khả năng miễn dịch cơ thể. Lực hút từ những chiếc cốc giúp tạo điều kiện cho dòng chảy của khí trong cơ thể, giúp cân bằng âm dương. Sự khôi phục cân bằng giữa hai thái cực này có thể giúp cơ thể chống lại mầm bệnh.
Các bước tiến hành giác hơi:
Giác hơi điều trị cảm phong hàn thường được giác tại các vị trí vùng gáy, vai lưng, thắt lưng, dọc theo kinh Đởm, mạch Nhâm, kinh Bàng quang; tay dọc theo kinh Phế, kinh Đại trường; vùng Thái dương.
Người được giác hơi sẽ được cho nằm sấp, hai tay đưa lên phía trên đầu, vùng giác hơi hướng lên trên.
Thầy thuốc chọn ống giác hơi có kích thước phù hợp với vùng được giác, thoa dầu vaselin lên miệng ống. Dùng kẹp có mấu giữ chặt cục bông cồn đang cháy khua vào trong ống 2-3 giây rồi giật nhanh kẹp bông cồn ra, úp ngay ống giác lên vùng định giác. Giác trong 5-10 phút. Ống giác nào làm người bệnh đau rát khó chịu thì nhấc sớm. Trong suốt quá trình giác hơi thầy thuốc sẽ theo dõi người bệnh.
Phương pháp này được chỉ định trong điều trị các bệnh cảm mạo phong hàn. Tuy nhiên, phương pháp này sẽ không được chỉ định trong các trường hợp sau: Vùng da thịt bệnh bị lở loét, u bướu, hoặc thân thể gầy còm, da thịt mất sức co giãn; các bệnh cấp cứu, ngoại khoa. Không giác vùng trước tim, đầu vú và vùng bụng dưới khi có thai. Người bệnh sẽ được điều trị theo liệu trình trong từ 3 đến 5 ngày; Giác hơi 1 lần/ngày, mỗi lần từ 10-15 ống giác.
Trước khi giác hơi, người bệnh cần chuẩn bị quần áo thoải mái, hạn chế đeo đồ trang sức, không để cơ thể quá đói hoặc quá no. Cần chuẩn bị tâm lý, trao đổi với thầy thuốc những vấn đề còn băn khoăn, báo thầy thuốc nếu có vấn đề bất thường về sức khỏe.
Phòng thực hiện giác hơi cần có nhiệt độ ở mức dễ chịu, nếu trời quá nóng có thể cần sử dụng quạt và máy lạnh, tuy nhiên không để quạt hay máy lạnh chiếu thẳng vào người.
Sau khi giác hơi nên nghỉ ngơi, uống nước ấm. Không nên đi tắm ngay, nên đợi 6-8 giờ sau để lỗ chân lông se lại.