Từ 16h chiều 26/10, giá xăng E5RON92 tăng thêm 1.430 đồng/lít, lên mức 23.110 đồng/lít; Xăng RON95-III tăng thêm 1.460 đồng/lít, lên mức 24.330 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S cũng tăng 1.170 đồng/lít (lên mức 18.710 đồng/lít); Dầu hỏa tăng 1.010 đồng/lít (lên mức 17.630 đồng/lít); Dầu mazut 180CST 3.5S tăng 120 đồng/kg, lên mức 17.210 đồng/kg. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 7 năm qua.
Bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Hoàng Văn Cường – đoàn ĐBQH TP. Hà Nội đã chia sẻ với báo chí liên quan đến vấn đề này.
Ông Hoàng Văn Cường cho biết, nếu giá xăng dầu cao thì sẽ tác động đến các lĩnh vực khác, tác động không tốt cho nền kinh tế nói chung. Do đó, việc đề xuất có những biện pháp để kiềm chế giá xăng dầu không tăng lên quá cao là điều cần thiết. Trong bối cảnh giá tăng thì cần phải điều chỉnh giảm thuế và thuế nhập khẩu hoặc thậm chí về thuế về môi trường cũng tạm thời duy trì ở mức hợp lý.
ĐBQH Hoàng Văn Cường nói:"Trong bối cảnh nền kinh tế của ta hiện nay, chúng ta đang cần phải phục hồi. Nếu giá xăng dầu tăng cao, tăng nhanh thì sẽ đẩy theo chỉ số tăng giá của các ngành khác, đặc biệt là những lĩnh vực như giao thông vận tải đang bị tác động nặng bởi xăng dầu".
Ông cho rằng, thời điểm hiện tại, rất cần phải giữ được ổn định giá xăng dầu. Việc này sẽ rất tốt cho việc phục hồi và kiềm chế được tình trạng tăng giá của các ngành khác, giữ lạm phát.
Theo đại biểu Cường, giá xăng dầu trong nước tăng một phần là do tác động của giá dầu thế giới. Ngoài ra, trong bối cảnh dịch bệnh vừa qua, chi phí của quá trình chuyên chở vận chuyện đã bị đội lên. Mặt khác, các chi phí liên quan đến tăng chi phí lên đó là chi phí logistic, chi phí kho bãi, kiểm soát. Những yếu tố đó cộng vào làm cho giá xăng dầu trong nước đội cao hơn.
Đại biểu Cường lý giải: "Chúng ta phải xem lại những khoản gì làm cho giá xăng dầu đội lên như thuế nhập khẩu, các khoản phí về kiểm soát. Những khoản đó chúng ta có thể phải rà soát lại và phải cắt giảm để có thể ổn định được giá xăng dầu".
ĐBQH Hoàng Văn Cường cho biết, Bộ Công Thương phải đánh giá được mức độ thay đổi của giá thế giới với khả năng cung ứng trong nước, từ đó sẽ dự báo được mức độ ảnh hưởng có thể gia tăng. Bộ Tài chính là đơn vị thực thi các chính sách, như có trình về thay đổi về thuế, thay đổi, điều chỉnh về phí như thế nào, đây là vấn đề mà Bộ Tài chính sẽ phải thẩm tra và đánh giá để báo cáo của Chính phủ.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Hướng dẫn tự lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại nhà.