Dư luận vẫn hoài nghi về tác động của tăng thuế bảo vệ môi trường lên 2 lần điều chỉnh giá trong tháng 5
Theo Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành, kể từ 1/5/2015 vừa rồi, thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, nhiên liệu bay đã được điều chỉnh tăng mạnh 300% từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít; dầu diezel từ 500 đồng/lít tăng lên 1.500 đồng/lít; dầu mazut từ 300 đồng/lít lên 900 đồng/lít. Qua đó, ngân sách Nhà nước sẽ tăng thu 10.831 tỷ đồng từ việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.
Theo khẳng định của lãnh đạo Bộ Tài chính thì sự kiện này sẽ không tác động lên hoạt động điều chỉnh giá xăng, dầu trong nước. Tuy nhiên, dư luận bắt đầu tỏ ra hoài nghi về tuyên bố trên khi giá xăng đã có hai lần tăng mạnh ngay sau khi thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực. Cụ thể, mức tăng giá xăng tại thời điểm 5/5 là 1.950 đồng/lít, đến ngày 20/5 tiếp tục tăng 1.200 đồng/lít. Tổng mức tăng giá với riêng mặt hàng xăng kể từ đầu tháng 5 đã là 3.150 đồng/lít.
Tại thông báo phát đi ngày 21/5/2015, Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính một lần nữa tiếp tục tái khẳng định: “Phương án điều hành giá xăng dầu thời gian qua thực hiện đúng theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và phụ thuộc vào biến động tăng giá xăng dầu thế giới, hoàn toàn độc lập với việc điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 01/5/2015 vừa qua”.
Theo Cục Quản lý giá, sở dĩ khẳng định như vậy là do việc điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường đã được Liên Bộ tính toán kỹ lưỡng, không làm tăng giá xăng, dầu trong nước thông qua việc tính toán tương tác giữa thuế nhập khẩu và thuế bảo vệ môi trường trong cơ cấu giá cơ sở. Đồng thời hy vọng dư luận sẽ “hiểu” và “đồng thuận” với các phương án điều hành mà liên Bộ đang áp dụng.
Cụ thể, thuế nhập khẩu các mặt hàng dầu đã được điều chỉnh giảm từ 2%-7% tùy từng chủng loại; đồng thời, các thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối cũng được cho phép sử dụng Quỹ Bình ổn giá để góp phần kiềm chế mức độ tăng giá của giá xăng dầu trong nước, chia sẻ với người tiêu dùng (sử dụng từ 324 đồng/lít đến 1.054 đồng/lít). Sau khi giảm thuế và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu như trên, phần chênh lệch còn lại điều chỉnh tăng giá bán các mặt hàng xăng dầu từ 500 đồng/lít, kg đến 1.200 đồng/lít, kg; riêng mặt hàng dầu hỏa giảm giá bán 64 đồng/lít.
Mức tăng này đặt giữa bối cảnh giá dầu thế giới bình quân 15 ngày của hai lần điều chỉnh gần nhất tăng mạnh từ 4,74% đến 7,68%.
Như vậy, theo Cục Quản lý giá, trong lần điều hành này, giá xăng dầu trong nước tiếp tục được điều hành sát biến động của giá xăng dầu thế giới. Song, Liên Bộ đã sử dụng đồng thời nhiều công cụ tài chính khác để hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, người tiêu dùng và Nhà nước, đặc biệt để giảm bớt áp lực tăng giá bán xăng dầu trong nước góp phần kiềm chế lạm phát.
Bích Diệp