Việc giá xăng dầu liên tiếp “lập đỉnh’ trong hơn hai tháng qua chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt” khiến ngành công nghiệp vận tải “loay hoay” tìm cách giữ chân khách hàng. Nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với khó khăn chồng chất khó khăn. Nhất là trong thời điểm các doanh nghiệp mới bắt đầu phục hồi sản xuất, kinh doanh trở lại sau dịch COVID-19.
Theo khảo sát của phóng viên tại bến xe khách Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm), có 9/10 chủ doanh nghiệp vận tải cho rằng, chi phí nhiên liệu xăng dầu chiếm khoảng 40 - 50% giá cước vận chuyển.
Các doanh nghiệp cho biết, giá xăng dầu tăng khiến doanh nghiệp lao đao. Khi trên đà, việc tăng cước để bù chi là hiển nhiên nhưng tăng cước, đồng nghĩa lượng khác hàng giảm, từ đó, doanh thu sụt giảm theo.
Ông Dũng (45 tuổi) - chủ nhà xe vận tải hành khách tuyến Tuyên Quang - Mỹ Đình cho biết: “Vừa ảnh hưởng của dịch kéo dài, lượng khách giảm quá nhiều kéo theo thu nhập giảm, chưa kể các chi phí hoạt động xe vẫn phải duy trì. Bây giờ, lại thêm giá xăng dầu tăng vọt, hoạt động vận chuyển hành khách liên tỉnh gần 10 năm qua, chưa có thời điểm nào chúng tôi cảm thấy điêu đứng vì giá xăng dầu như hiện nay”.
“So với đợt xăng dầu chưa tăng giá, dù lượng khách chỉ chiếm 50% chỗ ngồi, nhưng doanh thu vẫn đủ để duy trì hoạt động. Còn bây giờ, dịch bùng phát mạnh cộng thêm xăng dầu lên giá, nếu chúng tôi không tăng giá cước vận tải thì khó mà cầm cự được”, anh Dũng than thở.
Anh Dũng cho biết thêm: “Trước giờ xuất bến khoảng 30 phút, xe gần như kín chỗ ngồi. Nay éo le hơn, dù đứng đợi cả buổi nhưng lượng khách chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có chuyến chỉ có 1 - 2 khách nhưng nhà xe vẫn phải chạy để giữ chân khách hàng. Mặc dù chúng tôi nhận vận chuyển thêm hàng hóa, bưu phẩm để có thêm thu nhập, duy trì các loại phí cho xe nhưng không thấm vào đâu".
Anh Nguyễn Đức Khánh (40 tuổi) - tài xế xe Limousine chuyên tuyến Hà Nội - Móng Cái cho biết, vì giá xăng dầu tăng nên nhà xe quyết định xin tăng thêm 50.000 đồng giá cước vận tải trên một hành khách.
“Giá cước thời điểm trước chỉ 400.000 đồng/lượt nhưng bây giờ là 450.000 đồng/lượt. Tăng giá thì sợ mất khách mà không tăng giá thì chúng tôi không đủ bù đắp các chi phí hoạt động nên đành đánh cược”, anh Khánh cho hay.
Theo ghi nhận của phóng viên tại các bến xe khách trên địa bàn Hà Nội cho thấy, thời điểm dịch bệnh phức tạp như hiện nay, số lượng xe ra vào bến đã giảm khá nhiều.
Trong đó, phần lớn đơn vị vận tải chuyển sang kinh doanh dạng xe nhỏ hơn (xe Limousine với số ghế ít hơn nhưng chất lượng dịch vụ tốt hơn - PV) để tiết kiệm nhiên liệu. Bởi theo các chủ nhà xe, nếu chạy xe lớn trong khi một chuyến chỉ có khoảng 5 - 6 khách thì càng chạy càng lỗ nặng, không đủ tiền xăng dầu và chi trả nhân công.
Tại bến xe Nước Ngầm, một chủ xe chạy đường dài Hà Nội đi Nghệ An, Hà Tĩnh chia sẻ: “Từ sau Tết Nguyên Đán, vừa dịch bùng vừa giá xăng lên, khiến các đơn vị lái xe như chúng tôi không biết xoay sở thế nào cho hợp lý”.
Theo anh Đình Huy (39 tuổi, Hà Tĩnh) lái xe giường nằm chuyến Hà Nội - Hà Tĩnh cho biết, trước những khó khăn ảnh hưởng từ dịch bệnh và giá nhiên liệu, nhiều nhà xe chạy tuyến Hà Nội - Hà Tĩnh chỉ thu gọn số chuyến và không đề xuất được tăng giá vé để giữ chân khách nhưng lượng khách vẫn rất ít.
“Trước khi xăng chưa tăng giá, tôi chỉ đổ 900.000 đồng tiền dầu thì nay tăng lên đến 1.100.000 đồng. Đó là chưa kể tiền thu phí đường bộ và chi phí bãi xe. Tuy nhiên, nhà xe khó tăng giá vé vì lượng khách cũ nhiều. Nếu tình hình vẫn khó khăn, đơn vị sẽ tạm thời ngừng hoạt động một thời gian hoặc cân đối cắt giảm chạy còn 1 - 2 chuyến trong ngày”, anh Huy cho hay.
Video đang được quan tâm
Mở cửa du lịch: Việt Nam khôi phục chính sách miễn thị thực, Hà Nội mở lại loạt điểm tham quan