Hôm 11/6, lần đầu tiên trong lịch sử, giá xăng trung bình toàn quốc ở Mỹ vượt mốc 5 USD/gallon, tương đương 30.360 đồng/lít. Các nhà phân tích dự đoán tình trạng này sẽ kéo dài, thậm chí có thể tăng lên 6,2 USD mỗi gallon vào tháng 8.
Để đối phó với giá xăng tăng phi mã, giới chức một số khu vực đang xem xét cắt giảm thuế.
Từ 1/6 đến cuối năm, bang New York cắt giảm thuế khí đốt xuống còn 16 xu/gallon. Chính quyền bang Michigan cũng thông qua dự luật tạm dừng thu thuế nhiên liệu từ cuối tháng 5. Một số bang áp dụng chính sách giảm thuế như Kansas đang tính tới việc giảm thuế hàng tạp hóa, New Mexico giảm 1.000 USD thuế cho các gia đình gặp khó khăn vì giá nhiên liệu.
Nhà Trắng cũng đang xem xét việc giảm thuế khí đốt liên bang khi nhóm chuyên gia kinh tế của Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây thảo luận về thuế khí đốt và dự kiến sẽ gặp nhau vào cuối tuần này để đàm phán thêm.
Ông Biden từng nhiều lần tuyên bố sẽ tìm mọi cách để giảm giá xăng. Dù vậy, các chuyên gia nhận định chính quyền Mỹ ít có các lựa chọn trong việc kìm giá xăng và lạm phát.
Anh hồi tháng 5 công bố gói chính sách trị giá 19 tỷ USD nhằm giúp các hộ gia đình ứng phó với sinh hoạt phí tăng cao, đồng thời đánh thuế lợi nhuận bất thường với các công ty năng lượng để kìm giá xăng dầu.
Theo đó, mỗi hộ gia đình Anh sẽ nhận khoản tín dụng trị giá 505 USD cho hóa đơn năng lượng của gia đình từ tháng 10.
Điểm đáng chú ý trong gói chính sách này là quy định về mức thuế năng lượng mới 25% sẽ đánh vào phần lợi nhuận của các công ty dầu khí. Thuế này sẽ chỉ mang tính tạm thời, khi giá dầu và khí đốt trở lại bình thường, thuế sẽ được hủy bỏ.
Theo tính toán của Bộ Tài chính Anh, thuế mới sẽ giúp thu về ngân sách 6,08 tỷ USD trong năm tới. Số tiền này cộng với 10 - 17 tỷ USD sẽ chi cho việc trợ cấp những người nghèo nhất.
"Chúng ta cần đảm bảo hỗ trợ cho những người đang gặp khó khăn và đối mặt nguy cơ", Bộ trưởng Tài chính Vương quốc Anh Rishi Sunak nói khi công bố gói chính sách trên.
Tương tự, các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu cũng áp dụng nhiều biện pháp, bao gồm trợ cấp, hỗ trợ thuế năng lượng cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương.
Từ tháng 3, Đức phát thêm tiền mặt cho người lao động, đồng thời giảm giá xăng, giảm giá vé các phương tiện giao thông công cộng. Nhiều cửa hàng xăng dầu ở Đức cũng hạ giá bán để hỗ trợ người tiêu dùng.
Trong khi đó, Pháp cam kết hạn chế mức tăng giá điện theo quy định ở mức 4%, đồng thời triển khai gói hỗ trợ trị giá gần 27 tỷ USD với các công ty về chi phí khí đốt và điện. Từ đầu tháng 4, Pháp áp dụng việc trợ giá 0,16 USD/lít xăng, dầu diesel cho người dân, dự kiến tiêu tốn khoảng 2,15 tỷ USD.
Chính phủ Hà Lan giảm 12% thuế giá trị gia tăng với năng lượng, xuống 9%; mức thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu cũng giảm 21% để đối phó với tình trạng hiện tại. Ngoài ra, quốc gia này cũng thông báo tăng khoản trợ cấp năng lượng một lần cho các gia đình có thu nhập thấp lên gấp 4 lần, từ 200 euro lên 800 euro. Đây là một phần trong gói hỗ trợ trị giá 2,8 tỷ euro (tương đương hơn 3 tỷ USD) mà nước này đưa ra để ứng phó với giá nhiên liệu, lạm phát tăng.
Giảm thuế cũng là cách mà một số quốc gia châu Á lựa chọn để kìm đà tăng của giá xăng dầu
Từ 1/6, giới chức Hàn Quốc nâng mức cắt giảm thuế xăng dầu từ 20% lên 30% để bình ổn giá xăng dầu trong nước. Chính phủ cũng thông báo kế hoạch hỗ trợ những người bị tăng chi phí sinh hoạt do giá nhiên liệu cao, đồng thời bỏ ngỏ về khả năng tăng thêm mức giảm thuế nếu giá vẫn đà đi lên.
Thái Lan cũng gia hạn giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với dầu diesel thêm 2 tháng từ 21/5 đến 20/7. Cụ thể, thuế tiêu thụ với dầu diesel B5 sẽ giảm 5 baht/lít so với mức cũ là 3 baht. Mức thuế trước đây là 5,99 baht/lít.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cam kết tăng cường dự trữ dầu và cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu.
Người dân Thái Lan cũng được tăng trợ cấp tiền mặt từ mức 45 baht/tháng lên 100 baht/tháng và hỗ trợ tiền mặt 100 baht/tháng khi mua gas nấu ăn.
Xem thêm video đang được quan tâm
Hậu covid- Phục hồi chức năng cho người mắc COVID-19 nhẹ và không triệu chứng