Ngư dân “cắn răng” bán tàu
Những ngày cuối tháng 3, có mặt tại cảng cá Lạch Quèn (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) chưa khi nào thấy tàu thuyền về neo đậu, nằm bờ nhiều như năm nay.
Ngư dân Ngô Văn Tài ở xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) cho hay, tàu của tôi có công suất 400 CV, mỗi chuyến đi biển kéo dài 8 - 10 ngày nên phải bơm khoảng 60 triệu đồng tiền dầu, hàng nghìn cây đá lạnh; với giá dầu hơn 20.000 đồng/lít như hiện tại thì mỗi chuyến tàu phải đội chi phí thêm 14 – 16 triệu đồng”.
Giá xăng dầu tăng cao nên thu nhập đi biển bị giảm xuống. Nhưng không thể giảm tiền công của người lao động vì như vậy họ sẽ bỏ việc nên nhiều chủ tàu chọn cách nằm bờ chờ giá xăng “giảm nhiệt”.
“Hiện số tiền bỏ ra cho mỗi chuyến đi biển đã tăng gấp đôi so với trước, nếu không đánh bắt được thì chỉ có lỗ vốn. Chẳng may hư hỏng thiết bị tàu thì chỉ tính cho chủ tàu, rủi ro đủ đường nên cũng không muốn ra khơi”, ông Tài chia sẻ.
Từ đầu năm đến nay, chuyến biển nào đối với tàu cá của ông Đậu Đình Khánh (xã Quỳnh Lập, Quỳnh Lưu, Nghệ An) cũng rơi vào cảnh thua lỗ, không thể bám trụ với nghề, ông buộc phải bán đi con tàu.
“Con tàu có giá vài tỷ đồng nhưng phải bán tháo, bởi nếu tiếp tục giữ tàu thì càng thua lỗ, trong khi đó nếu neo đậu tàu nằm bờ nhiều ngày cũng xuống cấp, hư hỏng, khi đó bán không ai mua”, ông Khánh buồn bã nói.
Ông Lê Bá Kỷ - Chủ tịch Hội nông dân xã Quỳnh Lập cho biết đã có 8 tàu cá với công suất trên 90CV phải bán đi trong vòng 2 tháng. Hiện vẫn còn 2 tàu cá của ngư dân trong xã đang neo đậu tại cảng để rao bán nhưng chưa có khách mua.
Đánh bắt gần bờ cầm chừng
Sửa soạn cho chuyến ra khơi, ngư dân Hồ Văn Thích (xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu) cho biết, hiện đang vào thời điểm đánh bắt trong năm nhưng nhiều chủ thuyền không dám ra khơi.
“Giá cả bấp bênh, sản lượng hải sản năm nay không còn dồi dào như trước… nên các chuyến tàu đều lỗ. Nhưng khổ nỗi tiến thoái lưỡng nan, đi không được, ở nhà cũng không xong. Không ra khơi thì không có tiền trả lãi vay đóng tàu”, ông Thích chia sẻ.
Hầu hết ngư dân hiện nay chỉ chọn đánh bắt gần bờ. Mỗi lần vươn khơi, họ đều rất dè chừng, phải tính toán kỹ lưỡng, chỉ khi chắc chắn vùng biển có hải sản mới đi biển.
Hiện tại Nghệ An có hơn 3.400 tàu, trong đó, có hơn 1.000 tàu công suất lớn, đánh bắt xa bờ. Với lực lượng gần 20.000 lao động nghề biển, đây được xem là một trong những ngành kinh tế trọng điểm trên địa bàn.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong suốt 2 năm nay đã khiến kinh tế của ngư dân giảm sút, cùng với giá xăng dầu tăng cao đã khiến cho hàng trăm lao động phải chuyển nghề, lên bờ tìm kiếm cơ hội việc làm mới.
Đối với ngư dân vào thời điểm này, họ mong muốn có chính sách hỗ trợ, trợ giá nhiên liệu để giảm chi phí đi biển, tạo điều kiện vay vốn, giãn thời gian đóng các khoản lãi, sớm đưa chuỗi hoạt động khai thác hải sản trở lại trạng thái bình thường mới.