Cần tăng dự trữ khi giá xuống thấp
Giá xăng tăng lên mức kỷ lục xấp xỉ 30.000 đồng/lít là mức tăng cao nhất trong 8 năm trở lại đây. Nhiều người tiêu dùng đã tính đến các phương án giảm chi tiêu, giảm đi lại… Doanh nghiệp cũng tìm cách cắt giảm chi phí hoặc tăng giá bán hàng hóa để bù đắp vào giá xăng dầu tăng mạnh kể từ đầu năm đến nay. Giá xăng dầu tiếp tục biến động theo xu hướng tăng khiến doanh nghiệp vận tải hàng hóa, khai thác dịch vụ cảng biển... "đội chi phí" chênh lệch hàng tỉ đồng/tháng so với kế hoạch trước đó.
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện tài chính cho rằng việc tăng giá xăng dầu trong kỳ điều chỉnh ngày 11/5 là điều đương nhiên vì giá xăng dầu thế giới đã tăng rất mạnh trong chu kỳ 10 ngày qua. Hệ quả tất yếu là mặt bằng giá mới sẽ xuất hiện, xu hướng tăng giá của tất cả các mặt hàng sẽ đè nặng lên cuộc sống của người dân. Các biện pháp kìm chế lạm phát dù có được thực thi tốt thế nào cũng không thể tránh khỏi làn sóng tăng giá này.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, thời gian qua, chúng ta đã điều hành giá xăng dầu khá nhịp nhàng, linh hoạt, giảm tác động tăng của giá xăng dầu thế giới đến giá trong nước, nhờ đó, giá xăng dầu trong nước đã tăng thấp hơn so với đà tăng của giá thế giới.
Tuy nhiên, nếu giá xăng dầu thời gian tới cứ tiếp tục tăng cao, sẽ không thể cứ mãi giảm thuế, hoặc dựa vào quỹ bình ổn giá, bởi quỹ cũng sẽ cạn kiệt và thuế cũng không thể giảm. Do đó, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, cần sử dụng các công cụ về bảo hiểm giá, hợp đồng phái sinh trong xăng dầu là cần thiết để có nguồn hàng đúng theo kế hoạch, khi đó sẽ giảm được nguy cơ thiếu hụt xăng dầu trong nước khi nguồn cung và giá dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp.
"Nếu các doanh nghiệp chủ động bảo hiểm giá bằng hợp đồng giao dịch phái sinh thì chắc chắn sẽ phòng ngừa được rủi ro về giá trong khi chúng ta chưa chủ động được 100% nguồn năng lượng. Cùng với đó, khi mà giá thế giới xuống thấp cần xem xét tăng lượng dự trữ lên để đảm bảo được an ninh về năng lượng", Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long phân tích.
Chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất
TS Đinh Trọng Thịnh nhận định, giá xăng dầu sẽ có thể còn tăng cao nữa nếu EU cấm nhập khẩu dầu từ Nga và Mỹ áp dụng luật không sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ (NOPEC). Dự luật này nhằm mục đích bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ khỏi những đợt tăng đột biến của giá năng lượng. Các bộ trưởng hàng đầu của OPEC vừa lên tiếng phản đối một dự luật mới của Mỹ nhằm điều chỉnh sản lượng của khối này và cho biết điều này có thể khiến thị trường năng lượng hỗn loạn.
Cũng theo TS Thịnh, để làm chậm đà tăng giá xăng dầu, Việt Nam đã có quỹ bình ổn giá xăng dầu. Và quỹ bình ổn này đã phát huy rất tốt ở giai đoạn những tháng cuối năm 2021. Tuy nhiên, thực tế quỹ bình ổn xăng dầu quá mỏng và không phải là giải pháp để có thể điều chỉnh lâu dài thị trường. Quỹ bình ổn chỉ như một tấm đệm đỡ những cú sốc đột ngột giúp các doanh nghiệp trong nền kinh tế thích ứng dần với sự thay đổi của giá cả. Với đà tăng liên tục thì quỹ bình ổn hạn hẹp cũng khó đủ sức kiềm chế đà tăng giá xăng dầu.
Trước những ý kiến lo ngại giá xăng dầu tăng sẽ xảy ra tình trạng "té nước theo mưa" của một số loại hàng hóa, TS Thịnh cho rằng, cần thực hiện tốt một số biện pháp. Cục Quản lý thị trường của Bộ Công thương và Cục Giá của Bộ Tài chính phải theo dõi sát sao giá thành sản xuất cũng như tác động của giá xăng dầu đến giá cả các mặt hàng trong nền kinh tế quốc dân để đảm bảo tính công khai, minh bạch.
Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh cho rằng, để ứng phó với giá xăng dầu thế giới tăng quá cao, chúng ta sẽ phải quan tâm đúng mức đối với vấn đề về dự trữ chiến lược đối với xăng dầu. Việc đầu tiên đó là phải có một cơ sở hạ tầng riêng. Không trông chờ vào các doanh nghiệp đầu mối. Phải có một nguồn lực tài chính hay nguồn ngoại tệ để làm sao có thể dự trữ được xăng dầu với một mức đủ để giúp cho ổn định thị trường xăng dầu trong nước trước những biến động.
TS Vũ Đình Ánh đề xuất thay đổi các phương thức kinh doanh xăng dầu như hiện nay. Hiện nay Việt Nam chủ yếu áp dụng các biện pháp giao ngay khi kinh doanh xăng dầu. Trong khi đó, có rất nhiều các cái công cụ, như là công cụ mua bán kỳ hạn, công cụ mua bán tương lai trên thị trường xăng dầu đang được sử dụng phổ biến. Nâng cao năng lực kho dự trữ xăng dầu đáp ứng dài hơn nhu cầu của nền kinh tế, giảm bớt lệ thuộc và tác hại của giá xăng dầu thế giới tăng cao đến sự ổn định và phát triển kinh tế trong nước.
Ngày 11/5, liên Bộ Công Thương - Tài chính hôm nay tăng 1.490 đồng mỗi lít xăng E5 RON 92, tăng 1.550 đồng xăng RON95. Như vậy, giá xăng hôm nay là 28.950 đồng một lít (với E5 RON92) và 29.980 đồng (RON95). Riêng loại xăng RON95 V (loại xăng cao cấp) giá đã vượt 30.000 đồng.
Đây là đợt tăng giá liên tiếp từ cuối tháng 4 và sau đợt tăng này, giá xăng RON95 đã lập đỉnh mới, cao hơn mức thiết lập hồi giữa tháng 3 là 160 đồng một lít. Còn E5 RON92 thấp hơn mức đỉnh hồi tháng 3 khoảng 30 đồng mỗi lít.
Dầu hoả là 25.160 đồng một lít, tăng 1.340 đồng. Dầu diesel là 26.650 đồng một lít, tăng 1.120 đồng. Riêng dầu madut giữ nguyên giá bán, là 21.560 đồng một kg.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Sáng 12/5: Số ca nhiễm viêm gan bí ẩn ở trẻ cao nhất ở Anh, đã có ca bệnh phải ghép gan | SKĐS