Giá xăng có thể điều chỉnh sớm trong ngày 1/4

30-03-2022 18:33 | Thị trường
google news

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, kỳ điều chỉnh ngày 1/4 tới, giá xăng có thể điều chỉnh sớm hơn khi Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn bắt đầu có hiệu lực.

Giá xăng có thể điều chỉnh sớm trong ngày 1/4 - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ tại họp báo.

Chia sẻ tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 3 do Bộ Công Thương tổ chức chiều 30/3, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện nay điều hành nguồn cung xăng dầu quý II không tính đến sản lượng từ nhà máy Nghi Sơn cung cấp. Tuy nhiên, Bộ Công Thương đã phân giao cho 10 đầu mối nhập khẩu xăng dầu lớn nhất và kinh nghiệm nhất để bù vào lượng nhà máy Nghi Sơn.

“Như tháng 2 vừa qua, nhà máy Nghi Sơn chỉ cung cấp được 50% hợp đồng đã ký kết hoặc cam kết với các doanh nghiệp đầu mối - tương đương thiếu thiếu 17 - 20% thị phần của cả nước. Do đó, trong tháng 2 và 3 việc đảm bảo được cung ứng xăng dầu cho sản xuất kinh doanh, sản xuất là một sự cố gắng rất lớn”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Về khả năng cung ứng xăng dầu trong quý II, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh sẽ cố gắng ở mức cao nhất để đảm bảo nhu cầu sản xuất kinh doanh và nhu cầu người dân.

Còn với nguồn cung xăng dầu cho quý III, tuần tới, Bộ Công Thương sẽ có cuộc làm việc với Nghi Sơn để xem nhà máy có thể cung cấp được bao nhiêu, từng tháng phải có cam kết cụ thể. Phần thiếu hụt sẽ yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu để bù đắp.

"Giá xăng dầu tăng hay giảm sau kỳ điều chỉnh ngày 1/4 sẽ phục thuộc vào giá xăng dầu thế giới kết hợp việc giảm 50% thuế bảo vệ môi trường xăng dầu. Thay vì thời điểm 15 giờ, trong ngày kỳ điều chỉnh ngày 1/4 tới, giá xăng có thể điều chỉnh sớm hơn khi Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn bắt đầu có hiệu lực”, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay.

Trả lời vấn đề về nguồn cung xăng dầu trong nước, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết nhà máy Nghi Sơn chiếm khoảng 35% tổng cung xăng dầu của thị trường trong nước. Chính vì điều này khi nhà máy gặp trục trặc đã dẫn đến thiết hụt trong thời gian rất ngắn qua, cũng như ảnh hưởng đến nguồn cung trong thời gian tới.

“Bộ đã có nhiều văn bản chỉ đạo EVN, Nghi Sơn báo cáo kế hoạch tái sản xuất, kế hoạch cung ứng, giao hàng cho các các thương nhân đầu mối. Hiện Nghi Sơn về cơ bản đã khởi động trở lại nhưng Vụ Thị trường trong nước chưa nhận được báo cáo cụ thể sản lượng giao cho các thương nhân đầu mối trong tháng 5, 6 tới”, ông Tuấn thông tin.

Để đảm bảo nguồn cung do thiếu hụt của nhà máy Nghi Sơn, Bộ Công Thương đã yêu cầu các thương nhân đầu mối, ngoài tổng nguồn đã giao năm 2022 thì đẩy mạnh kế hoạch nhập khẩu trong thời gian vừa qua, đặc biệt là từ đầu năm đến giờ.

Tuy nhiên theo ông Tuấn, việc nhập khẩu xăng dầu không phải là câu chuyện “ngày một, ngày hai”, gọi là hàng về. Do hai năm ảnh hưởng của COVID-19, các thương nhân đầu mối về cơ bản lấy sản phẩm của nhà máy Nghi Sơn và Bình Sơn để tiêu thụ, chỉ nhập khẩu những sản phẩm mà hai đơn vị này chưa đáp ứng được. Do đó việc kết nối lại để mua lại, đặc biệt là trong bối cảnh địa chính trị phức tạp trở nên khó khăn hơn.

“Không phải Việt Nam đi tìm nguồn cung xăng dầu, mà cả thế giới cũng đi tìm nguồn cung để đảm bảo nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Điều này sẽ gây tốn chi phí nhiều hơn cho các đầu mối nhập khẩu, đặc biệt là chi phí vận tải, vận chuyển”, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Lưu ý khi tiêm vaccine cho trẻ 12-17 tuổi


Thu Trang/Báo Tin tức
Ý kiến của bạn