Việt hóa (remake) - làm lại từ các phim nổi tiếng của nước ngoài thời gian gần đây là “phao cứu sinh” để bộ môn nghệ thuật thứ bảy nước ta thoát cảnh đìu hiu, giúp ngành điện ảnh giữ được chân khán giả, vừa an toàn và đảm bảo doanh thu... Đạo diễn, NSƯT Vũ Xuân Hưng đánh giá, các phim Việt hóa mang đến cách làm chuyên nghiệp, kịch bản chặt chẽ và xây dựng tính cách nhân vật mạch lạc.
Nhiều phim Việt hóa đã hút khán giả tới rạp và có doanh thu cao thời gian qua như Em là bà nội của anh (tựa gốc Miss Granny của Hàn Quốc), Tèo em (Việt hóa từ Due Date của Hollywood), Bạn gái tôi là sếp (chuyển thể từ ATM: Er Rak Error của Thái Lan), Tháng năm rực rỡ, Sắc đẹp ngàn cân (Việt hóa của Hàn Quốc)... Đặc biệt, ở thời điểm hiện tại, phim Tiệc trăng máu của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng sau gần 2 tuần ra rạp đã cán mốc doanh thu 100 tỷ, trở thành tác phẩm ăn khách nhất kể từ khi COVID-19 xuất hiện ở Việt Nam khiến phim rạp đóng băng. Từ kịch bản gốc đình đám Perfect Strangers (Italy), Tiệc trăng máu là phiên bản chuyển thể được đánh giá cao trước hết bởi dàn diễn viên có nghề, bối cảnh “sang chảnh” và có lời thoại được thuần Việt, rất gần gũi, hài hước.
Một số phim Việt hóa hút khán giả gần đây.
Yếu tố quyết định thành công của Tiệc trăng máu, theo giới chuyên môn chính là kịch bản. Đạo diễn Dũng “khùng” đã xây dựng nên bối cảnh phần lớn chỉ loanh quanh trong một ngôi nhà, với 7 diễn viên nhưng câu chuyện lại đầy kịch tính. Phim này khai thác chủ đề câu chuyện trong mỗi con người. Ở đó, dù thân thiết đến đâu, dù đã là vợ chồng, đầu ấp tay gối hàng ngày thì họ vẫn có thể lừa dối nhau, tạo cho nhau những bí mật “kinh hoàng”. Các vấn đề mang tính gia đình mà bộ phim đề cập đến mang tính châm biếm cao.
Trong khi đó, ở mảng phim truyền hình, không ít tác phẩm Việt hóa đã tạo ra cơn “sốt” với người xem. Gần đây nhất có thể kể đến bộ phim dài tập Nhà trọ Balanha được Việt hóa từ tác phẩm Welcome to Waikiki của đài JTBC - Hàn Quốc. Cùng với những tiếng cười sảng khoái, Nhà trọ Balanha của đạo diễn Khải Anh mang đến nhiều nhiều suy ngẫm về hành trình lập nghiệp, tình yêu lẫn sự nổi loạn, hoang mang của những người trẻ thông qua các nhân vật Lâm, Bách, Nhân, Hân, Nhi. Nhiều khán giả đánh giá cao Nhà trọ Balanha bởi ê-kíp đã đưa vào những hoàn cảnh dị biệt, tình huống lạ thường, nhưng trong đó là những tâm lý quen thuộc của bạn trẻ cùng những trải nghiệm đầu đời về tình bạn, tình yêu, hành trình lập nghiệp gần gũi với khán giả Việt.
Cũng trong năm nay, phim truyền hình Tình yêu và tham vọng (đạo diễn Bùi Tiến Huy) Việt hóa từ Thế lực cạnh tranh của Trung Quốc đem đến cho công chúng những cảm nhận mới mẻ, khác với bản gốc. Tình yêu và tham vọng khai thác đề tài kinh doanh bất động sản, trong khi bản gốc đề cập lĩnh vực kinh doanh mỹ phẩm. Ngoài ra, theo biên kịch Trịnh Khánh Hà, nhóm nhân vật chính Minh, Linh, Phong, Tuệ Lâm đều được làm mới, hay “phức tạp hóa” lý lịch, song song với những câu chuyện thương trường khốc liệt là câu chuyện tình yêu cùng những con người trong “cuộc chiến” đó. Để rồi, Tình yêu và tham vọng trở thành phim truyền hình “made in Việt Nam”. Ngoài ra, những phim truyền hình Việt hóa kịch bản nước ngoài đã để lại ấn tượng với người xem còn có: Mùi ngò gai, Dù gió có thổi, Gia đình là số 1, Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng, Gạo nếp gạo tẻ, Cả một đời ân oán,...
Mặc dù vẫn còn một số phim Việt hóa để lại “sạn”, thất bại do bê nguyên xi bản gốc nhưng nhiều tác phẩm gần đây cho thấy, các nhà làm phim nước ta đã thay đổi cách làm, Việt hóa kịch bản một cách đúng nghĩa khi biến câu chuyện, tình tiết, văn hóa trong bản gốc thành thuần Việt gần gũi, chân thật, mang hơi thở thời đại. Thứ “gia vị” ấy làm khán giả dễ đồng cảm, từ đó mặn mà với phim Việt hơn.