Từ hôm nay (ngày 1/3), khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản sẽ thay đổi theo Thông tư số 34/2023/TT-BGTVT về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT của Bộ GTVT ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.
Theo đó, các đường bay có khoảng cách dưới 500 km có mức giá trần là 1.600.000 đồng/vé/chiều với đường bay phát triển kinh tế - xã hội và 1.700.000 đồng/vé/chiều với các đường bay khác. Các nhóm đường bay còn lại chịu mức tăng giá từ 50.000 - 250.000 đồng/vé/chiều so với quy định cũ, phụ thuộc vào độ dài từng đường bay.
Cụ thể, với đường bay từ 500 km đến dưới 850 km có mức giá trần là 2.250.000 đồng/vé/chiều (giá cũ 2.200.000 đồng/vé/chiều); đường bay có khoảng cách từ 850 km đến dưới 1.000 km có giá vé tối đa là 2.890.000 đồng/vé/chiều (giá cũ 2.790.000 đồng/vé/chiều); đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km có giá trần là 3.400.000 đồng/vé/chiều (giá cũ 3.200.000 đồng/vé/chiều) và đường bay có khoảng cách từ 1.280 km trở lên là 4.000.000 đồng/vé/chiều (giá cũ 3.750.000 đồng/vé/chiều).
Về lo ngại giá vé máy bay sẽ tăng sau ngày điều chỉnh trần giá, Cục Hàng không Việt Nam cho biết mỗi đường bay sẽ có nhiều hãng hàng không cùng tham gia cung ứng và cạnh tranh vì vậy ít có khả năng giá vé tăng đột biến. Đặc biệt, việc quyết định giá phải đảm bảo tính cạnh tranh, hấp dẫn so với các phương tiện vận chuyển khác và phải tùy thuộc vào sức mua và tình hình thị trường.
Hiện nay, giá vé máy bay nội địa đang được thực hiện theo cơ chế giá linh hoạt. Các hãng hàng không xây dựng và thực hiện kê khai dải giá với nhiều mức giá từ thấp đến cao tùy theo điều kiện vé, thời điểm xuất vé, tình hình thị trường… Thông thường, số lượng vé được bán với mức giá cao nhất (xấp xỉ giá trần) của các hãng chiếm tỷ trọng nhỏ.
Theo đó, việc điều chỉnh giá trần từ ngày 1/3 không đồng nghĩa với việc các hãng hàng không đồng loạt tăng giá vé, ngược lại sẽ tạo điều kiện cho các hãng tiếp tục thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, giãn biên độ giữa các mức giá vé.
Cụ thể, các hãng có thể xây dựng được dải giá vé rộng hơn, mở bán thêm được nhiều vé với mức giá thấp, khách hàng sẽ có nhiều cơ hội mua được mức giá thấp phù hợp với khả năng chi trả.
Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, Pacific Airlines, Vietravel Airlines yêu cầu báo cáo công tác bán vé máy bay dịp tết Nguyên đán 2024.
Theo đó, các hãng hàng không có trách nhiệm báo cáo việc bán vé theo quy định Thông tư 17/2019 của Bộ GTVT ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. Các hãng cũng cần báo cáo việc giám sát hoạt động các hãng hàng không với các đại lý bán vé máy bay và các biện pháp xử lý.
Xem thêm video được quan tâm:
Dự báo thời tiết 1/3: Miền Bắc đón không khí lạnh mới, rét chồng rét.