Hà Nội

Giá vàng liên tục lập 'đỉnh', vì sao đấu thầu vàng vẫn 'ế'?

09-05-2024 18:49 | Thời sự
google news

SKĐS - Theo chuyên gia, để thị trường vàng trở nên minh bạch, nên áp dụng ngay việc xuất hóa đơn ngay khi mua bán vàng. Điều này giúp cơ quan quản lý nắm bắt rõ hơn lượng cung cầu trên thị trường, nguồn gốc vàng và hạn chế tình trạng đầu cơ.

Ngày 8/5 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa thông báo về kết quả phiên đấu thầu vàng miếng SJC diễn ra sáng cùng ngày. 

Theo đó, sau 3 lần "ế" hàng, phiên đấu thầu này đã có 3 đơn vị trúng thầu với 3.400 lượng vàng trên tổng số 16.800 lượng. Giá trúng cao nhất và thấp nhất cùng giá 86,05 triệu đồng/lượng với 34 lô.

Tại phiên đấu thầu này, khối lượng đặt thầu tối thiểu đã giảm còn bằng một nửa so với các phiên đấu thầu tổ chức trước đó. Cụ thể, khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 7 lô (tương đương 700 lượng vàng) thay vì tối thiểu 14 tương (đương 1.400 lượng vàng) như các phiên trước.

Giá vàng liên tục lập 'đỉnh', vì sao đấu thầu vàng vẫn 'ế'?- Ảnh 1.

Theo đó, sau 3 lần "ế" hàng, phiên đấu thầu ngày 8/5đã có 3 đơn vị trúng thầu với 3.400 lượng vàng trên tổng số 16.800 lượng.

Đây cũng là một trong những quy định đấu thầu được "nới lỏng" hơn nhằm giảm bớt áp lực cho các đơn vị tham gia. Tuy nhiên, dù đã thoát cảnh phải hủy thầu, nhưng theo nhiều chuyên gia, các đơn vị kinh doanh vàng hiện vẫn chưa mặn mà với việc đấu thầu vàng của NHNN.

Trao đổi với Báo Sức khỏe và Đời sống, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh (Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính) cho rằng, các hoạt động đều phụ thuộc quy luật thị trường và vàng cũng không ngoại lệ. Việc đấu thầu vàng chưa thu hút được các đơn vị tham gia chứng tỏ các doanh nghiệp kinh doanh vàng chưa nhìn thấy tiềm năng lợi nhuận trong việc này.

"Mục tiêu của đấu thầu vàng nhằm kéo giá vàng trong nước về sát với giá vàng thế giới, bình ổn giá vàng. Do đó, trong thời gian gian tới NHNN chắc chắn sẽ tiếp tục tổ chức các phiên đấu thầu vàng. Tuy nhiên, điều này khó có thể mang lại hiệu quả khi còn những rào cản để hấp dẫn được các đơn vị tham gia. Với một thị trường hiện biến động mạnh như thị trường vàng, các đơn vị sẽ dễ đối mặt với rủi ro khi mua ở giá cao bán giá thấp", PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho biết.

Giá vàng liên tục lập 'đỉnh', vì sao đấu thầu vàng vẫn 'ế'?- Ảnh 2.

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh.

Để thị trường vàng trở nên minh bạch hơn, PGS. TS Thịnh cho rằng, nên áp dụng ngay việc xuất hóa đơn khi mua bán vàng. Điều này sẽ giúp cơ quan quản lý nắm bắt rõ hơn lượng cung cầu trên thị trường, nguồn gốc vàng và hạn chế tình trạng đầu cơ.

"Từ trước giờ chúng ta mới đánh thuế doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh vàng, nhưng chủ yếu dựa trên số liệu tự khai, khó kiểm soát được. Từ kinh nghiệm kinh doanh xăng dầu, nên bắt buộc mua bán vàng phải xuất hóa đơn. Đối với những người kinh doanh có doanh thu, có thu nhập phải đóng thuế, như vậy sẽ hạn chế được việc đầu cơ vàng", PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nhận định.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, để ổn định thị trường vàng, cần phải sửa Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, trong đó Ngân hàng Nhà nước giao việc nhập khẩu vàng cho các nhà kinh doanh vàng uy tín và rút lui về vai trò quản lý chứ không phải nhà nhập khẩu vàng. Đi kèm với các áp đặt cho mỗi nhà kinh doanh vàng, ngân hàng nhà nước vẫn sẽ kiểm soát được lượng ngoại tệ bỏ ra để mua vàng. Việc này sẽ tạo ra được nguồn cung trên thị trường dồi dào và ổn định hơn.

Xem thêm video được quan tâm:

Đấu thầu vàng miếng vào ngày 23/4: giá tham chiếu giảm còn 80,7 triệu đồng/lượng | SKĐS


Minh Ngọc
Ý kiến của bạn