Đến 8h sáng nay (giờ Hà Nội), giá giao dịch tại 1.261 USD, tương đương 32,48 triệu đồng một lượng, chưa bao gồm thuế, phí. Giá trong nước đóng cửa hôm qua tại 35,2-35,3 triệu đồng một lượng.
"Biến động tiền tệ thực sự là tâm điểm trong ngày", Bill O'Neill – đồng sáng lập công ty đầu tư LOGIC Advisors cho biết. Trong phiên, có lúc giá leo lên tới 1.266 USD một ounce.
Lực mua đã đẩy giá lên trên 1.250 USD, và sau đó là 1.253 USD – mốc trung bình trượt 200 ngày, O’Neill cho biết. Mục tiêu ngắn hạn tiếp theo sẽ là 1.280 USD. Các hợp đồng giao tháng 2 tăng 2,5% lên 1.264 USD một ounce.
"Vàng đang tăng giá do tâm lý chống rủi ro, vì không ai dự đoán được Thụy Sĩ sẽ bỏ trần tỷ giá. Việc này sẽ khiến rất nhiều người thua lỗ nặng và rõ ràng đã châm ngòi cho làn sóng trú ẩn", Ole Hansen – Giám đốc Saxo Bank cho biết.
Chứng khoán Mỹ hôm qua tiếp tục giảm phiên thứ 5 liên tiếp. Lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 30 năm tiếp tục xuống kỷ lục sau động thái của Thụy Sĩ.
Đồng franc Thụy Sĩ đã tăng giá gần 28% so với USD. Còn đồng euro đã mất gần 30%, chạm đáy một euro đổi 0,85 franc Thụy Sĩ.
"Việc này xảy ra một tuần trước phiên họp của Ngân hàng trung ương châu Ấu (ECB) và có thể gây áp lực lên đồng euro. Tăng nới lỏng tại eurozone hiện tại sẽ là con dao hai lưỡi với vàng niêm yết bằng USD, nhưng sẽ có lợi cho vàng tính bằng euro", Hansen nhận xét.
Kim loại quý đã hưởng lợi nhiều năm nay do chính sách nới lỏng của các ngân hàng trung ương sau khủng hoảng 2008. Nhưng tăng kích thích tiền tệ tại eurozone lại có thể khiến USD mạnh lên, và do đó vàng sẽ yếu đi.
Trên thị trường dầu thô, giá tiếp tục đi xuống. Mỗi thùng Brent trên sàn ICE London hiện giao dịch tại 47,67 USD. Trong khi đó, dầu WTI tại Mỹ có giá 45,95 USD.