Rau ngót
Rau ngót còn gọi là bồ ngót, bù ngót, hắc diện thần (Trung Quốc). Tên khoa học Sauropus androgynus(L) Merr. Thuộc họ Thầu dầu- Euphorbiaceae. Cây nhỏ nhẵn, có thể cao tới 1,5 - 2m. Có nhiều cành mọc thẳng, cao từ 0,9 - 1m.
Rau ngót là một trong những loại rau quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày của người Việt Nam. Trong 100g rau ngót tươi có chứa hơn 86% là nước, 5.3% protein; còn lại là gluxit, chất xơ và các thành phần khác.
Rau ngót cung cấp nhiều loại vitamin và khoáng chất khác nhau như canxi, sắt, mangan, phốt pho, vitamin C, Vitamin nhóm B, Beta-caroten. Trong dân gian thường sử dụng làm các món canh, giúp thanh nhiệt, bổ dưỡng.
Rau được sử dụng như một vị thuốc trong một số trường hợp như chữa tưa lưỡi ở trẻ em, chữa sót nhau… Với phụ nữ mang thai cần lưu ý, rau ngót có chứa một lượng papaverin - một chất gây co thắt cơ trơn tử cung, có thể gây sẩy thai, do đó phụ nữ mang thai nên kiêng cữ.
Rau đắng
Ở nước ta, có 2 loại là rau đắng đất và rau đắng biển. Mỗi loại có những ưu điểm riêng. Rau đắng trong bữa ăn thường sử dụng cả phần lá và thân. Một số địa phương có cách ăn khác như ăn như rau sống, nhúng sơ với nước sôi rồi xào với tỏi, hay luộc chín ăn.
Về dược tính, có sự khác nhau cơ bản giữa rau đắng biển và rau đắng đất. Rau đắng đất có tính mát, vị đắng, có khả năng thanh nhiệt tiêu độc, lợi tiểu, tiêu thũng. Người dân thường dùng để sắc uống chữa ho, trị các chứng tiểu gắt buốt, đi cầu khó. Rau đắng biển có nhiều chất có lợi cho sức khỏe như: các loại alkaloid và saponin. Rau đắng biển tác động tích cực với hệ thần kinh, tăng cường khả năng tỉnh táo, giảm căng thẳng mệt mỏi….
Một số nghiên cứu cho thấy, rau đắng có chứa các chất có tác dụng gây co bóp tử cung, tăng thời gian đông máu, làm tăng nguy cơ sảy thai, xuất huyết. Ăn nhiều rau đắng trong một bữa ăn có thể tốt cho người bị táo bón, nhưng đối với người bình thường hoặc người có hệ tiêu hóa kém, sẽ gây ra tình trạng tiêu lỏng.
Rau muống
Rau muống là cây thân thảo, thường mọc bò trên mặt nước hoặc trên cạn. Thân rỗng, dày, có nhiều đốt, có rễ ở các đốt, mặt ngoài nhẵn. Thân thường không có lông vào mùa nóng và có lông vào mùa lạnh. Lá rau muống có hình ba cạnh, đầu ngọn, đôi khi lá có thể thon dài, hẹp. Phiến lá dài 7 - 9cm, rộng 3.5 - 7cm, cuống lá thường nhẵn, không có lông dài khoảng 3 - 6mm. Ngoài các giống rau muống có sẵn ở Việt Nam, ngày nay một số giống rau muống cao sản được nhập và trồng ở nước ta nên có nhiều hình thái thực vật khác biệt.
Thành phần dinh dưỡng trong 100g rau muống tươi có 94% là nước, còn lại các thành phần như protein, gluxit, chất béo, chất xơ… Rau muống có chứa nguồn vitamin và khoáng chất đa dạng như sắt, đồng, magie, kẽm, các vitamin C, K, E, nhóm B. Rau muống có chứa beta-caroten với hàm lượng khá cao (5597 microgram/100g).
Theo Đông y, rau muống có vị ngọt, tính hơi lạnh (khi nấu chín thì lạnh giảm) đi vào các kinh tâm, can, tiểu trường, đại trường. Rau muống có công năng thanh nhiệt, lương huyết, chỉ huyết, thông đại tiểu tiện, lợi thủy, giải độc khi cơ thể bị xâm nhập các chất độc của nấm độc, cá, thịt độc, khuẩn độc, hoặc độc chất do côn trùng…
Rau muống có thể làm mất công dụng một số loại thuốc, cho nên cần thận trọng khi dùng.
Rau mồng tơi
Mồng tơi có tên khoa học là Basella alba L, đây là một loại cây dây leo phổ biến ở nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới. Do có đặc tính phân bố sinh thái ở các vùng nhiệt đới nóng ẩm nên ta có thể bắt gặp ở một số nơi như: Ấn Độ, châu Phi, Philippines và các nước Đông Nam Á. Cây có khả năng sinh trưởng mạnh, mọc hoang trong tự nhiên, hoặc được trồng để thu hoạch như một loại rau ăn hàng ngày, chứ chưa được sử dụng như một loại thuốc.
Rau mồng tơi khá dồi dào vitamin và khoáng chất. Nổi bật nhất là hàm lượng sắt, canxi, vitamin A, C và các vitamin nhóm B. Đây là những yếu tố vi lượng cần thiết cho cơ thể, giúp nâng cao sức đề kháng cũng như có giá trị trong một số vấn đề về sức khỏe. Một thành phần dễ nhận thấy trong rau mồng tơi là chất nhầy, có ích đối với người mắc chứng táo bón. Sử dụng rau mồng tơi thường xuyên giúp cung cấp nguồn chất nhầy cho hệ tiêu hóa, kích thích nhu động ruột, giảm tình trạng táo bón.