Hà Nội

Giá trị mộc bản, châu bản triều Nguyễn

07-12-2015 13:26 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Châu bản, mộc bản triều Nguyễn ở nước ta vốn đã trở thành “Di sản tư liệu Chương trình Ký ức thế giới Khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, tuy nhiên nhiều người dân lâu nay vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa và tên gọi “mộc bản, châu bản”.

Châu bản, mộc bản triều Nguyễn ở nước ta vốn đã trở thành “Di sản tư liệu Chương trình Ký ức thế giới Khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, tuy nhiên nhiều người dân lâu nay vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa và tên gọi “mộc bản, châu bản”. Vì lẽ đó, việc giới thiệu hoặc quảng bá về mộc bản, châu bản triều Nguyễn tới công chúng bằng các hoạt động triển lãm, trưng bày... là rất cần thiết nhằm củng cố thiếu hụt của mọi người về hai loại hình di sản này.

Từ việc hiểu về mộc bản, châu bản

Một chuyên gia về lịch sử Việt Nam cho rằng, những châu bản được các vị vua triều Nguyễn phê duyệt không chỉ có hiệu lực về mặt hành chính trong cả nước, mà còn mang tính pháp lý quốc tế, bởi vậy giá trị của nó được ghi nhận tuyệt đối. Đặc biệt qua nghiên cứu về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa qua các châu bản; giới chuyên gia về lịch sử nhận thấy triều đình nhà Nguyễn đã huy động một lực lượng hùng hậu phối hợp với quan chức địa phương và ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định hàng năm thực thi công vụ Hoàng Sa như vẽ bản đồ, kiểm kê tài nguyên trên đảo, đo đạc hải trình, cắm cọc tiêu, trồng cây, dựng miếu, cắm bia chủ quyền, xây dựng hệ thống kho tàng, đồn lũy, đặt trạm thu thuế, quan trắc thiên văn và dự báo thời tiết... Bởi thế, châu bản triều Nguyễn hiện nay là một trong các sưu tập tài liệu đặc biệt quý hiếm.

Một mộc bản và bản dập rất có giá trị được trưng bày tại Triển lãm “Triều Nguyễn với việc biên soạn chính sử qua châu bản, mộc bản - Di sản tư liệu thế giới”.

Thế nhưng có một thực tế được TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đưa ra là, trừ những người nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử và văn hóa mới có điều kiện để nắm bắt được một cách đầy đủ về các giá trị của châu bản, còn thực tế nhiều người vẫn chưa có thể định hình một cách rõ nét về chiều sâu của loại hình di sản thế giới này. Và trong một sự kiện gần đây có liên quan về mộc bản và châu bản triều Nguyễn, GS. Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết, châu bản là các văn bản hành chính của triều Nguyễn, bao gồm các tập tấu, sớ, chiếu, chỉ dụ... được đích thân nhà vua ngự lãm hoặc ngự phê bằng mực son, truyền đạt ý chí hoặc giải quyết các vấn đề chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế và xã hội. Mộc bản là những tấm gỗ khắc chữ Hán hoặc Nôm ngược, được in ra thành các cuốn sách, được dùng phổ biến ở Việt Nam trong thời kỳ phong kiến. Mộc bản triều Nguyễn phản ánh mọi mặt trong đời sống xã hội Việt Nam giai đoạn 1802-1945.

Đến triển lãm đã mở ra

Trước nhận thức còn chưa sâu sắc về mộc bản, châu bản triều Nguyễn trong người dân vẫn còn chưa sâu sắc, mới đây Cục Văn thư lưu trữ quốc gia I và IV (Bộ Nội vụ) đã mở ra Triển lãm “Triều Nguyễn với việc biên soạn chính sử qua châu bản, mộc bản - Di sản tư liệu thế giới” kéo dài tới 31/1/2016 tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Hà Nội). Triển lãm trưng bày hơn 100 phiên bản tài liệu lựa chọn từ hai khối mộc bản và châu bản triều Nguyễn đã được UNESCO vinh danh là Di sản tư liệu thế giới.

Những tư liệu được trưng bày trong triển lãm đều là những tài liệu đặc sắc, phản ánh rõ nét và xác thực về sự quan tâm và chủ trương của các vị vua triều Nguyễn đối với việc biên soạn chính sử. Chủ trương này được thể hiện qua các biện pháp tổ chức thực hiện, cụ thể như việc tổ chức Quốc sử quán, tuyển bổ người biên soạn, kiểm duyệt, san khắc, in ấn cũng như bảo quản, sử dụng các bộ chính sử và các ván khắc in. Đặc biệt, hơn 100 tư liệu trong triển lãm  góp phần cho công chúng thấy được những đóng góp và thành quả của triều Nguyễn đối với việc biên soạn những cuốn sách sử lớn của vương triều như: Minh Mệnh chính yếu, Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam liệt truyện, Đại Nam Hội điển sự lệ, Khâm định Việt sử thông giám cương mục...

Đến với triển lãm, công chúng sẽ hiểu hơn về lịch sử, các giá trị mà thế hệ cha ông để lại thông qua các tài liệu. Đó có thể là bản tấu của Nội các ngày 17/9 năm Tự Đức thứ 31 (1878) về việc triều Nguyễn bắt đầu chế ấn kiềm cấp cho Quốc sử quán, khẳng định giá trị pháp lý chính thống của cơ quan chuyên trách sưu tầm và biên soạn chính sử, hoặc mộc bản và bản dập bìa sách Đại Nam thực lục Chính biện đệ nhị ký ghi chép về lịch sử Việt Nam dưới thời vua Minh Mệnh (1820-1840)...

Có chuyên gia cho rằng, việc tổ chức giới thiệu các triển lãm như “Triều Nguyễn với việc biên soạn chính sử qua châu bản, mộc bản - Di sản tư liệu thế giới” cần phải làm thường xuyên hơn, rộng lớn hơn, quảng bá ra cả thế giới chứ không riêng gì ở Việt Nam. Bởi thực tế ai cũng phải thừa nhận, mộc bản và châu bản triều Nguyễn được giới thiệu trong triển lãm là nguồn tài liệu mang tính trung thực phản ánh một giai đoạn lịch sử hơn 100 năm của Việt Nam. Thông qua triển lãm, giới nghiên cứu cũng như công chúng sẽ có đánh giá cách khách quan hơn vai trò, vị trí và công lao của triều Nguyễn đối với lịch sử dân tộc.


Hoa Quỳnh
Ý kiến của bạn