Quốc gia phong phú về dược liệu
Việt Nam là quốc gia nằm trong vành đai nhiệt đới gió mùa, khí hậu có nhiều nét độc đáo và đa dạng, thay đổi từ điều kiện khí hậu nhiệt đới điển hình ở vùng núi thấp phía Nam, đến khí hậu mang tính chất Á - nhiệt đới vùng núi cao ở các tỉnh phía Bắc. Điều kiện tự nhiên đó đã thực sự ưu đãi cho đất nước và con người Việt Nam một hệ sinh thái phong phú và đa dạng, một tiềm năng to lớn về tài nguyên cây thuốc nói riêng và tài nguyên dược liệu nói chung.
Theo kết quả điều tra khảo sát của các nhà nghiên cứu khoa học đa ngành khác nhau cho biết, Việt Nam có khoảng 12.000 loài thực vật bậc cao có mạch (đã xác định tên của 8.000 loài), 600 loài nấm, 800 loài rêu và hàng trăm các loài tảo lớn. Trong đó có tới gần 4.000 loài thực vật bậc cao và bậc thấp được dùng làm thuốc, chúng được phân bố rộng khắp cả nước.
Bên cạnh đó, Việt Nam có một nền y học dân tộc lâu đời với các tri thức sử dụng các loại dược liệu, các bài thuốc có giá trị dùng để chữa các bệnh thông thường và nan y. Nền y học cổ truyền độc đáo đó bảo vệ sức khỏe cho dân tộc ta suốt chiều dài lịch sử với phương châm "Nam dược trị nam nhân". Nếu được phát huy giá trị khoa học thì những bài thuốc y dược cổ truyền sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân.
Dược liệu nói chung, cây thuốc nói riêng tồn tại cùng với thế hệ sinh thái rừng, nông nghiệp và nông thôn, lại có mối tương quan chặt chẽ giữa đa dạng sinh học cây thuốc và đa dạng văn hóa, y học cổ truyền, gắn với tri thức y dược học của 54 dân tộc, là bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Chưa kể, dược liệu được phát triển có thể giúp cho nhiều vùng nông thôn, miền núi xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường.
Cần bảo tồn và phát triển
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Y tế rất quan tâm đến lĩnh vực y dược cổ truyền, ban hành nhiều văn bản, chỉ thị, nghị quyết: Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 04/7/2008 của Ban Bí thư về phát triển nền đông y và Hội đông y trong tình hình mới; Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới; Quyết định 2166/QĐ-TTg ngày 31/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ; Đặc biệt là Quyết định số 1893/QD-TTg ngày 25/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phát triển Y dược cổ truyền, kết hợp Y dược cổ truyền với Y dược hiện đại đến năm 2030 và nhiều văn bản khác.
Hiện nay, ở Việt Nam có nhiều loại cây thuốc, tuy nhiên, số cây thuốc trở thành hàng hóa chỉ đếm trên đầu ngón tay. Muốn để cây thuốc trở thành hàng hóa thì phải có đầu tư nghiên cứu, trồng trọt ở quy mô lớn, có quy hoạch vùng trồng. Quá trình trồng phải tuân thủ đúng quy trình để bảo đảm chất lượng. Ngay như những cây thuốc quý hiện nay, nếu không biết giữ, khai thác vô tội vạ sẽ dẫn đến cạn kiệt. Ví dụ, cây vàng đắng được chiết xuất để sản xuất thuốc berberin có tác dụng kháng khuẩn, chữa đau bụng, lỵ rất tốt, nhưng lâu nay, chúng ta khai thác mà không quan tâm đến bảo tồn, nên dẫn đến cạn kiệt. Bây giờ không còn nữa bởi vàng đắng là cây lâu năm phải trồng hàng chục năm mới khai thác được. Hiện nay, doanh nghiệp muốn sử dụng vàng đắng bào chế thuốc phải sang Lào, Campuchia để mua…
Để bảo tồn và phát triển dược liệu, cần phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường, gắn sản xuất nguyên liệu với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng vùng trồng dược liệu. Đi liền với đó, gắn với công nghiệp chế biến, cơ cấu sản phẩm đa dạng bảo đảm an toàn và chất lượng, khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước và xuất khẩu.
Nhà nước cần hỗ trợ đầu tư về nghiên cứu và ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ trong việc bảo tồn nguồn gen, khai thác dược liệu tự nhiên, trồng trọt, chế biến dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu.
Ngoài ra, cần có giải pháp cụ thể về việc bảo tồn và phát triển cây thuốc quý tại mỗi địa phương. Trong đó, tập trung vào việc xây dựng, đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích, phát triển nguồn dược liệu phù hợp với thế mạnh của từng địa phương; đồng thời, đáp ứng phục vụ nhu cầu về thuốc trong phòng bệnh và chữa bệnh cho nhân dân…
PGS, TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam cho biết, khí hậu và thổ nhưỡng là 2 đặc trưng để quyết định chất lượng dược liệu. Nhưng dược liệu chỉ là nguyên liệu để sản xuất thuốc chứ không phải cứ trồng thì đó đã là bài thuốc.
Do đó, để dược liệu trở thành các bài thuốc, cần phải có sự liên kết của nhiều bên để sản phẩm đầu cuối đem lại giá trị thật sự cho người dân, cho doanh nghiệp và cho người trồng dược liệu.