Câu “Y phục xứng kỳ đức” đến hôm nay không hẳn chỉ là chuyện bộ trang phục trên mỗi người mà dường như còn là chuyện về những giá trị trong cuộc sống bị đảo ngược khiến dư luận bức xúc. “Giá trị” như một niềm tin và khi mất đi giống như chuyện bị mất cắp vậy. Và bị mất cắp niềm tin mới thật là chuyện kinh hoàng.
Chuyện ai đó dùng hàng hiệu, tiêu xài xa hoa như mua giường tiền chục tỷ hoặc xài iPhone 6 mới ra là bình thường nếu người đó có tiền. Thế nhưng, một nhà sư ở Hải Dương “đập hộp” chiếc iPhone 6 đầu tiên mới về đến đây để đem về chùa đúng ngày mùng 1 đầu tháng cho “có lộc” lại là chuyện không bình thường. Người tu hành được coi là người đã vứt bỏ mọi thứ tham, sân, si; hàng ngày khoác áo cà sa rao giảng đạo lý trước những tín đồ nay bỗng lộ ra là kẻ mê đắm vật chất, mong có lộc như đời trần tục đã không chỉ phá bỏ giáo lý nhà Phật mà còn đảo lộn giá trị, phá vỡ niềm tin trong xã hội.
Chuyện các quan tòa vốn được mệnh danh là người cầm cân nảy mực nhưng ở huyện nọ, các quan đã tính làm lệch cán cân công lý qua việc mặc cả với người sắp bị xét xử từ 10 đến 30 triệu (được ghi âm) quả là không thể chấp nhận được. Giá trị công lý trên bị đảo ngược thì niềm tin của dân vào Pháp chế nước nhà cũng bị đổ vỡ, thiệt hại lớn hơn nhiều đôi ba chục triệu các quan đang “mặc cả” kia!
Biết bao chuyện y phục trái ngược với hành vi của người mặc y phục đang ngày càng nhiều trong cuộc sống hôm nay. Những tưởng chỉ những bà cụ nghèo khổ đói rách mới ngửa tay xin người sang trọng, đầy đủ những đồng tiền lẻ nào ngờ có cả mấy anh chị ông bà quần áo tinh tươm đang ngồi ghế êm, quạt máy tại các đơn vị hành chính công cũng gạ gẫm (cũng là ngửa tay xin trong hoàn cảnh khác) người khó khăn hơn mình những đồng tiền chẵn! Những tưởng chỉ có bọn du thủ du thực xăm trổ đầy mình đi ăn cướp của dân lành nào ngờ có cả kẻ được ăn học đàng hoàng, được tín nhiệm đặt vào vị trí nào đó đang xách cặp, đeo cà vạt, ngồi phòng máy lạnh vẽ ra những dự án “trên trời” để ăn cướp tiền từ ngân khố quốc gia mà ta vẫn gọi là tham nhũng!
Khi y phục là đồng phục của một số ngành nghề sẽ thành niềm tin của dân vào thể chế xã hội nhưng người khoác lên mình đồng phục đó lại không xứng với thứ mình đang mang thì thật nguy ngại cho cả xã hội, cho đất nước. Cảnh sát điều tra vốn là người đi tìm sự thật nhưng gian dối bằng cách dùng nhục hình, ép cung để thay đổi sự thật như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn bị án oan ở Bắc Giang không chỉ là chuyện đau lòng mà còn là chuyện đạo đức công vụ trong xã hội.
Khi “giá trị” y phục bị đảo ngược thì chuyện trớ trêu ắt phải xảy ra. Người lương thiện thành kẻ giết người như ở Bắc Giang chục năm trước nay mới sáng tỏ. Những đồng tiền đẫm mồ hôi của dân cần lao gửi vào hòm công đức nơi cửa Phật mong được hạnh phúc và sự thanh thản tâm hồn trở thành ô trọc khi qua tay những ông sư như vị “đại đức” ở Hải Dương! Và giá trị đảo ngược trong hành chính công hay trong nhiều lĩnh vực khác của cuộc sống thì người đang khó khăn, thậm chí khốn khổ, cùng cực lại phải tiếp tục cắn răng “bố thí” cho kẻ đầy đủ, đang hạnh phúc!
Y phục có thể coi là sự phản ánh bên ngoài của mỗi con người để người khác nhận biết về những giá trị: phẩm chất, cương vị lẽ nào có thể trở thành mặt nạ! Khi y phục không xứng kỳ đức, những giá trị trong xã hội bị đảo ngược sẽ là cơn lũ cuốn sạch niềm tin trong cộng đồng thành mối nguy cho cả một quốc gia, kéo lùi sự phát triển của cả một dân tộc!
Lê Quý Hiền