Giá trị và cảm tình
Khởi nguồn là giá trị về mặt ngôn từ, những tác phẩm văn học lấy bối cảnh nước ngoài còn có sức hấp dẫn riêng đến từ bối cảnh hiện đại, dễ gây tò mò và thu hút độc giả. Nắm bắt được xu hướng này, nhiều người viết trẻ, có người đã trải qua cuộc sống xa xứ, có người chỉ qua tưởng tượng đã cho ra đời những tiểu thuyết, truyện dài làm lay động trái tim người đọc, trước hết là ở không khí, không gian vừa thân thuộc vừa xa lạ.
Phần lớn những câu chuyện lấy bối cảnh nước ngoài đều khai thác những câu chuyện tình lãng mạn, những số phận không hề giản đơn, tâm tư tình cảm của những người trẻ xa xứ. Điều này chạm tới nỗi niềm đồng cảm của độc giả Việt, vốn nhạy cảm với những số phận con người xa quê hương, Tổ quốc nhưng vẫn vươn lên sống đẹp, khẳng định được nỗ lực và tâm hồn thuần Việt đáng ngưỡng mộ. Những cái tên tiên phong và thành công trong lãnh địa này có thể kể đến Dương Thụy (Bồ câu chung mái vòm, Oxford thương yêu, Venise và những cuộc tình Gondola, Nhắm mắt thấy Paris), Hà Kin (Chuyện tình New York), Linh Lê (Không khóc ở Kuala Lumpur, Mùa mưa ở Singapore)...
![]() |
Các nữ tác giả với văn phong mềm mại, nền tảng ngôn ngữ, kiến thức vững vàng cùng kinh nghiệm từng trải ở nước ngoài đã cho ra những tác phẩm vừa thể hiện được tâm tư cá nhân vừa bao quát tâm tư của những người trẻ cùng thế hệ. Qua ngòi bút của những người từng xa xứ, vẻ đẹp của ngôn từ đơn giản, câu chuyện rõ ràng, những nhân vật sinh động đã làm sáng lên vẻ đẹp của con người, cảnh vật, thẩm thấu những giá trị văn hóa dân tộc.
Điều làm nên thành công của những tác phẩm lấy bối cảnh nước ngoài ở thị trường sách phong phú ngày nay có lẽ là việc các tác giả đã kết hợp hoàn hảo giữa không khí hiện đại với lối viết nhẹ nhàng, không quá nhiều chi tiết kể lể gây nặng nề, dài dòng. Nhờ đó, khung cảnh và con người trở thành một phông nền lý tưởng để gây dựng những câu chuyện về nghị lực học tập, làm việc, tình yêu, tình đồng hương đầy xúc động nơi xứ người. Qua đó, độc giả cũng được biết đến nhiều phong tục, tập quán, cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp cũng như thấu tỏ cuộc sống của người Việt xa xứ. Từ đó có cái nhìn cảm thông, yêu thương, tôn trọng và đầy tự hào hơn về truyền thống quê hương, đất nước cũng như khao khát khám phá những miền đất mới, dấn thân vì niềm đam mê, vì tình yêu và mong muốn được thử sức, được vượt qua chính mình.
Tiềm năng dự phòng
Sau một thời gian im hơi lặng tiếng, sự ra mắt của Đợi anh ở Toronto (tác giả Nguyễn Thu Hoài) kể về chuyện tình của hai người Việt trẻ ở Canada đã làm nhiệm vụ nối tiếp dòng sách lấy bối cảnh nước ngoài. Vẫn là cảm hứng lãng mạn làm sáng lên tình người, tình yêu ở nơi xa xứ, khoảng cách giữa văn học và tự sự đơn thuần dường như đã bị xóa nhòa nhờ cách kể chuyện tự nhiên, sinh động.
![]() Một số tác phẩm văn học lấy bối cảnh nước ngoài. |
Có thể nói, so với tác phẩm của một bộ phận tác giả sống xa xứ vốn ít được biết đến trong nước thì tiểu thuyết, truyện dài, truyện ngắn của người trẻ từng sinh sống và học tập ở nước ngoài giống như một thỏi nam châm hút rất mạnh những độc giả trẻ trong và ngoài nước. Bên cạnh sự phát triển của dòng văn học có bối cảnh nội địa, các tác phẩm có bối cảnh nước ngoài giống như hỗn hợp gia vị thêm nếm cho món ăn thêm phần hoàn hảo. Chưa kể tới việc nhiều tác giả chưa từng hoặc chỉ có một quãng thời gian ngắn trải qua cuộc sống xa xứ nhưng nhờ kiến văn, sức tưởng tượng kỳ tài đã cho ra những tác phẩm y như thật, chiếm được cảm tình của đông đảo bạn đọc.
Chúng ta có một nguồn tác giả dự phòng có thể viết hay về bối cảnh nước ngoài chưa được để ý khai thác, đó chính là những du học sinh, những người đang nghiên cứu và sinh sống ở nước ngoài ở nhiều chuyên ngành, lĩnh vực khác nhau nhưng đều có chung khả năng viết tốt. Nhiều người trong số họ đã cho ra đời những cuốn sách du ký thú vị và được độc giả đón nhận. Đó có lẽ là một trong những chiến lược mà các công ty sách, nhà xuất bản chuyên về văn học cần khai thác để có được lượng độc giả khả quan trong thời điểm chen lấn của sách nội, sách ngoại như hiện nay.
Ngữ Nam