Theo số liệu của Tổ chức dữ liệu Y tế toàn cầu IMS/IQVIA về so sánh giá thuốc biệt dược gốc sử dụng nhiều nhất tại các nước Đông Nam Á (ASEAN), cụ thể: Trong quý II năm 2016, đối với nhóm thuốc trị bệnh đái tháo đường: giá thuốc biệt dược gốc tại Việt Nam thấp hơn so với giá trung bình nhóm thuốc này của các nước ASEAN (chỉ bằng 0,9 lần giá thuốc trung bình tại các nước ASEAN), trong khi đó tại Thái Lan và Philippine thì đều cao hơn giá trung bình từ 1,31 đến 1,4 lần (chi tiết tại bảng 1).
Bảng 1: So sánh giá các thuốc biệt dược gốc sử dụng nhiều nhất tại các nước ASEAN
(Nguồn: IMS MIDAS Q2 MAT 2016
Tỉ lệ so sánh giữa giá của từng nước với giá trung bình của các nước (100%)).
Đối với các thuốc generic sử dụng nhiều nhất tại các nước ASEAN cũng cho thấy, theo nghiên cứu của IMS trong quý IV năm 2015, giá nhóm thuốc trị bệnh đái tháo đường của Việt Nam chỉ bằng 0,56 lần so với giá trung bình của các nước ASEAN, trong khi đó tại Singapore, Philippine, Thái Lan và Indonesia cao hơn từ 1,54 đến 11,02 lần (chi tiết tại bảng 2).
Bảng 2: So sánh giá các thuốc generic sử dụng nhiều nhất tại các nước ASEAN
(Nguồn: IMS MIDAS Q4 MAT 2015
Tỉ lệ so sánh giữa giá của từng nước với giá trung bình của các nước (100%)).
Theo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), trong thời gian vừa qua, Cục quản lý Dược đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý giá thuốc: Luật dược 2016, Nghị định 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017, Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 và các Thông tư liên quan đến đấu thầu thuốc: Thông tư số 11/2016/TT-BYT ngày 11/5/2016 sau đó được thay thế bằng Thông tư số 15/2019/TT-BYT ngày 11/7/2019 quy định việc đấu thầu mua thuốc tại các cơ sở y tế công lập, Thông tư số 09/2016/TT-BYT ban hành danh mục thuốc đấu thầu, danh mục thuốc đấu thầu tập trung, danh mục thuốc áp dụng hình thức đàm phán giá, Thông tư số 10/2016/TT-BYT ngày 05/5/2016 sau đó được thay thế bằng Thông tư số 03/2019/TT-BYT ngày 28/3/2019 ban hành danh mục thuốc trong nước đáp ứng nhu cầu điều trị giá thuốc và khả năng cung cấp.
Trên cơ sở các quy định về quản lý giá thuốc và đấu thầu thuốc tại các văn bản nêu trên, Cục Quản lý Dược phối hợp chặt chẽ với Vụ Kế hoạch Tài chính – Bộ Y tế, Cục Quản lý Giá – Bộ Tài chính, Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công thương đã triển khai các giải pháp đồng bộ, vì vậy về cơ bản trong những năm vừa qua giá thuốc được bình ổn, tiết kiệm ngân sách cho quỹ bảo hiểm y tế. Cụ thể như sau:
Đối với thuốc phục vụ nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của bệnh nhân nội trú do nguồn ngân sách nhà nước, bảo hiểm y tế, nguồn thu hợp pháp khác của các cơ sở y tế công lập quản lý thông qua đấu thầu. Việc đấu thầu thuốc trong thời gian qua đã bảo đảm công khai, minh bạch và cải cách thủ tục hành chính trong công tác đấu thầu thuốc, ưu tiên sử dụng thuốc trong nước có chất lượng, giá hợp lý và tăng cường hiệu quả kinh tế của công tác đấu thầu và tiết kiệm chi phí tiền thuốc cho quỹ Bảo hiểm y tế và người dân. Theo thống kê kết quả trúng thầu của các Sở y tế, bệnh viện và viện có giường bệnh trực thuộc Bộ, trị giá tiền mua thuốc đã tiết giảm được 35,5% so với quy định cũ.
Đối với thuốc phục vụ nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của bệnh nhân ngoại trú, Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 8/5/2017 và Nghị định số 155/2018/NĐ- CP ngày 12/11/2018 đã sửa đổi quy định thống nhất mức thặng số bán lẻ của nhà thuốc trong khuôn viên bệnh viện công lập (2%-15%) tùy theo giá trị thuốc mua vào tính theo đơn vị đóng gói nhỏ nhất và quản lý danh mục thuốc, giá mua vào tại cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập theo danh mục, giá trúng thầu của chính cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và của các cơ sở y tế tuyến tỉnh trở lên. Qua đó giá thuốc được giữ ổn định.
Triển khai đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia theo quy định Luật đấu thầu năm 2013 và Luật dược năm 2016. Năm 2017, Bộ Y tế đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cho 21 mặt hàng thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia sử dụng cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh năm 2018 và năm 2019 với tổng trị giá là 2.269 tỷ đồng và giảm 477 tỷ đồng (giảm 17,4%) so với tổng trị giá tính theo giá trúng thầu trong vòng 12 tháng trước. Năm 2018, Bộ Y tế đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu đối với 25 mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia năm 2018 theo Quyết định số 2710/QĐ-BYT ngày 27/4/2018 cho 02 năm 2019 và năm 2020, so với giá kế hoạch được phê duyệt, đã tiết kiệm được 625 tỷ đồng (giảm 21,31%).
Đối với thuốc biệt dược gốc, thuốc còn bảo hộ và những thuốc có nguy cơ độc quyền có 1-2 cơ sở sản xuất, thực hiện cơ chế quản lý giá thuốc bằng hình thức đàm phán giá thuốc theo quy định Luật đấu thầu năm 2013 và Luật dược năm 2016. Năm 2018, Hội đồng đàm phán giá thuốc - Bộ Y tế triển khai đàm phán giá đối với 04 biệt dược gốc sử dụng cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh năm 2019 và năm 2020 đã giảm 551 tỷ đồng (giảm 18,55% so với giá trúng thầu hiện tại).
Kiểm tra liên ngành niêm yết giá thuốc tại nhà thuốc góp phần bình ổn giá thuốc.
Đối với thuốc lưu hành trên thị trường, hiện trên cả nước có khoảng trên 63 nghìn cơ sở bán lẻ thuốc cạnh tranh mạnh mẽ theo cơ chế thị trường, các cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc phải thực hiện công khai minh bạch giá thuốc bằng hình thức kê khai, niêm yết giá tại nơi bán thuốc theo quy định tại Luật dược. Giá bán buôn thuốc được công khai, minh bạch thông qua quy định về kê khai, kê khai lại giá thuốc, doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tính chính xác của giá kê khai, kê khai lại. Mức giá kê khai, kê khai lại do doanh nghiệp kê khai được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Dược.
Cục Quản lý Dược, Thanh tra Bộ Y tế và hệ thống thanh tra y tế tại 63 tỉnh, thành phố tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra hậu mãi theo kế hoạch và đột xuất việc thực hiện các quy định về quản lý giá thuốc và các cơ sở vi phạm bị phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.
Như vậy, bằng các công cụ quản lý giá thuốc thông qua việc kê khai giá, kê khai lại giá thuốc; đấu thầu thuốc, giá thuốc tại Việt Nam nằm trong nhóm thấp so với các nước trong khối ASEAN.
Trên cơ sở kết quả đạt được như trên, Cục quản lý Dược - Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu và đề ra các giải pháp nhằm bình ổn giá thuốc trong nước, đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân và xã hội, giúp người bệnh có cơ hội được tiếp cận thuốc có chất lượng cao với giá thành phù hợp.