So với tháng 12/2022 CPI tháng Tư tăng 0,39% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,81%. Bình quân 4 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,84% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,9%.
So với tháng trước, CPI tháng 4/2023 giảm 0,34% (khu vực thành thị giảm 0,41%; khu vực nông thôn giảm 0,27%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 7 nhóm hàng giảm giá so với tháng trước; 4 nhóm hàng tăng giá.
Các nhóm hàng tăng giá:
Chỉ số giá nhóm giáo dục tháng 4/2023 tăng 5,98% so với cùng kỳ năm trước do một số địa phương trong năm học 2022-2023 tăng học phí trở lại sau khi đã miễn, giảm học phí trong năm học 2021-2022 để chia sẻ khó khăn với người dân trong đại dịch.
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 5,2% do giá vật liệu xây dựng và giá nhà ở thuê tăng.
Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 3,63% chủ yếu do chi phí vận chuyển tăng và nguồn cung thuốc lá giảm.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,62%, trong đó nhóm lương thực tăng 3,84%; thực phẩm tăng 2,89%; ăn uống ngoài gia đình tăng 5,35%.
Bên cạnh đó, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tháng 4/2023 tăng 3,33% so với cùng kỳ năm trước; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2,99%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 2,31%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,29%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,62%.
2 nhóm hàng giảm giá:
Nhóm giao thông tháng 4/2023 giảm 3,94% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung giảm 0,38 điểm phần trăm, trong đó giá xăng dầu giảm 15,5% do từ tháng 5/2022 đến nay giá xăng A95 giảm 4.360 đồng/lít; xăng E5 giảm 4.450 đồng/lít và dầu diezen giảm 5.960 đồng/lít.
Nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,33% do giá phụ kiện điện thoại thông minh giảm.
So với tháng 12/2022, CPI tháng Tư tăng 0,39%, trong đó có 8 nhóm hàng tăng giá và 3 nhóm giảm giá.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 4 tháng đầu năm 2023 tăng 3,84% so với cùng kỳ năm 2022.
Các yếu tố làm tăng CPI trong 4 tháng đầu năm 2023
Chỉ số giá nhóm giáo dục bình quân 4 tháng đầu năm 2023 tăng 9,08% so với cùng kỳ năm trước do một số địa phương đã tăng học phí trở lại sau khi đã miễn, giảm học phí trong năm học 2021-2022 để chia sẻ khó khăn với người dân trong đại dịch, tác động làm CPI tăng 0,56 điểm phần trăm.
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 6,67% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI tăng 1,26 điểm phần trăm, do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào và giá thuê nhà ở tăng cao.
Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 4,42% do dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu giải trí và du lịch của người dân tăng cao, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, tác động làm CPI tăng 0,2 điểm phần trăm.
Giá các mặt hàng thực phẩm tăng 4,02% chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán tăng, tác động làm CPI tăng 0,86 điểm phần trăm.
Giá điện sinh hoạt tăng 2,39% do nhu cầu sử dụng điện dịp Tết Nguyên đán tăng, tác động làm CPI tăng 0,08 điểm phần trăm.
Giá gạo trong nước tăng 2,32% theo giá gạo xuất khẩu, tác động làm CPI tăng 0,06 điểm phần trăm.
Bình quân 4 tháng đầu năm 2023, giá xăng dầu trong nước giảm 12,22% so với cùng kỳ năm trước theo biến động của giá thế giới, tác động làm CPI chung giảm 0,44 điểm phần trăm.
Giá gas trong nước giảm 6,73% theo giá thế giới, tác động làm CPI giảm 0,1 điểm phần trăm.
Chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,28% do giá điện thoại thế hệ cũ giảm, tác động làm CPI giảm 0,01 điểm phần trăm.
Lạm phát cơ bản tháng 4/2023 tăng 0,13% so với tháng trước, tăng 4,56% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 4 tháng đầu năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,84%). Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước 4 tháng đầu năm 2023 giảm 12,22% so với cùng kỳ năm trước, giá gas giảm 6,73% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Xem thêm video đang được quan tâm
Nghỉ Hè: Trẻ Ăn Gì Đảm Bảo Sức Khỏe Và Phòng Bệnh Mùa Hè