Hiện nay, giá lợn hơi trên cả nước đang giảm từ 1.000 – 3.000 đồng/kg, tùy trọng lượng. Với con lợn có trọng lượng khoảng 50kg, mức giảm trung bình khoảng 100.000 đồng/con.
Tuy vậy, thịt lợn hành phẩm giữa kênh phân phối, siêu thị đang có sự chênh lệch rõ rệt so với giá bán tại chợ truyền thống, chợ dân sinh.
Đơn cử, với loại thịt ba chỉ rút xương, chợ truyền thống đang bày bán với giá trung bình từ 120.000 – 135.000 đồng/kg. Ở siêu thị, loại thịt này đang bày bán trung bình từ 160.000 – 250.000 đồng/kg.
Thương hiệu Meat Deli đang công khai mức bán lẻ thịt ba rọi loại cơ bản là 179.900 đồng/kg và 244.900 đồng/kg loại đặc biệt.
Như vậy, với phép tính cộng trừ đơn giản, có thể thấy giá thịt lợn ở kênh phân phối, siêu thị đang cao hơn kênh chợ truyền thống, chợ dân sinh khoảng 50% (đã trừ yếu tố VAT cho siêu thị).
Sự chênh lệch này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các bà nội trợ. Bởi thịt lợn là thực phẩm thiết yếu trong hầu hết các bữa ăn của các gia đình.
Ngày 6/9, trao đổi nhanh với phóng viên Gia đình & Xã hội về sự chênh lệch này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú thẳng thắn rằng, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cơ quan quản lý nhà nước và các địa phương cần có cơ chế "kéo" sự chênh lệch này xuống để các bà nội trợ thoải mái hơn trong chi tiêu cho bữa cơm gia đình.
Ông Phú cho biết, trong giai đoạn dịch COVID-19, giá thịt lợn thành phẩm ở chợ dân sinh từng cao đến 160.000 – 180.000 đồng/kg, tùy loại. Tuy nhiên, khi có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước, thịt thành phẩm đã giảm chỉ còn khoảng 80.000 – 139.000 đồng/kg. Điển hình là thịt ba chỉ hiện nay có mức bán trung bình là 120.000 – 135.000 đồng/kg.
Theo ông Phú, rõ ràng, mức giảm ở chợ dân sinh, chợ truyền thống nhanh và kịp thời như vậy nhưng ở kênh phân phối lớn như siêu thị, trung tâm thương mại, công ty lớn chuyên về giết mổ và phân phối thịt lợn thì ngược lại.
"Nếu trừ đi yếu tố chi phí lưu thông cao ở siêu thị và thuế VAT, thì giá bán lẻ khá nhiều mặt hàng ở kênh này vẫn cao hơn kênh truyền thống. Điều này ngược với giá bán lẻ hàng hóa ở nước ngoài là siêu thị hầu hết có giá thấp hơn ở chợ dân sinh. Bởi sức mạnh về vốn, thương hiệu về chuỗi phân phối lớn trên toàn cầu khi làm việc với các nhà cung ứng", ông Phú cho hay.
Ông Phú thẳng thắn: "Với sự chênh lệch kể trên, có thể thấy rằng, các nhà phân phối lớn vẫn chưa thực sự công bằng với người tiêu dùng. Việc chậm giảm giá và chỉ thực hiện khuyến mại trong một thời gian ngắn thì kênh phân phối lớn chưa trả lại cho người tiêu dùng giá trị thực của miếng thịt, chưa chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng như Thủ tướng Chính phủ từng nhấn mạnh "rủi ro thì chia sẻ, lợi ích thì hài hòa"".
Ông Phú cho rằng, sự chênh lệch của giá thịt lợn thành phẩm là sự vô lý cần phải sớm được khắc phục. Bởi đây chính là một trong những yếu tố góp phần làm cho sức mua hiện nay chậm lại.
Theo chuyên gia kinh tế, ngoài nguyên nhân tác động làm giảm sức mua do giá cao vô lí của kênh phân phối lớn như đã nêu ở phần trên, cộng thêm các chi phí trung gian, chi phí nhập hàng cho kênh phân phối lớn và các chi phí khác trong quá trình lưu thông hàng hóa… tình hình trên, bắt buộc chúng ta phải có những giải pháp để tăng doanh số, kích thích sức mua xã hội từ nay đến cuối năm.
Cụ thể, thứ nhất, tiếp tục thúc đẩy sản xuất với số lượng và chất lượng ngày càng cao đạt các tiêu chuẩn quy định khi nhập vào các kênh phân phối để tiêu thụ.
Thứ hai, tổ chức tốt hệ thống phân phối quốc gia, thiết lập sớm các chuỗi cung ứng ngắn đi thăng từ sản xuất đến bán lẻ, giảm trung gian, chi phí không cần thiết xây dựng các tập đoàn bán lẻ làm ăn tử tế, có tính chia sẻ với nhà cung ứng, các hợp tác xã, nông dân có hàng hóa nông sản đưa vào các kênh phân phối.
Thứ ba, tổ chức liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, nhập khẩu và hệ thống bán lẻ, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các khâu trong chuỗi sản xuất phân phối hiện nay đang còn những vấn đề cần phải khắc phục.
Thứ tư, kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, tăng giá và bán giá quá bất hợp lý so với thực tế từng thời kì, nhất là các hàng hóa thiết yếu như lương thực thực phẩm đặc biệt là mặt hàng thịt lợn luôn luôn chiếm từ 60-70% trong cơ câu bữa ăn của từng gia đình Việt.
Thứ năm, phải kéo giá vô lý xuống để không xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng, chia sẻ khó khăn về lợi nhuận của người sản xuất là đối tượng chính làm ra của cải vật chất.
Thứ sáu, kiểm soát thị trường hiệu quả, chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế ở cả hình thức bán hàng trực tiếp và bán hàng online.
Thứ bảy, phát huy vai trò khách quan, công tâm của các Hiệp hội bán lẻ, Cục Quản lý cạnh tranh, Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam trước những việc làm chưa đúng mức, bị dư luận phê phán nhiều năm nay trong việc tổ chức nguồn hàng, bán ra phục vụ tiêu dùng.
Chuyên gia kinh tế cho rằng, làm được những vấn đề trên, cùng với những giải pháp quyết liệt trong việc điều hành giá cả tiêu dùng, đưa các mức giá bán lẻ hàng hóa thiết yếu về mức hợp lý, đi đôi với việc tạo công ăn việc làm, thu nhập của người lao động, chắc chắn tình hình thị trường và giá cả sẽ có những cải thiện, góp phần vào việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng xã hội trong năm 2023 và những năm tiếp theo.