Giả thiết MH17 bị Ukraine bắn hạ, Mỹ che giấu gì?

26-07-2014 08:35 | Quốc tế
google news

Rất có thể tình huống bất ngờ trong hoạt động của phòng không Ukraine mới là nguyên nhân gây ra tai nạn của chuyến bay MH17.

Rất có thể tình huống bất ngờ trong hoạt động của phòng không Ukraine mới là nguyên nhân gây ra tai nạn của chuyến bay Malaysia MH17.

Xuất hiện nghi vấn tổ hợp Buk của phòng không Ukraine bắn rơi MH17

Hãng thông tấn Nga RIA Novosti cho biết, rất có thể tình huống bất ngờ trong hoạt động của phòng không Ukraine mới là nguyên nhân gây ra tai nạn của chuyến bay Malaysia MH-17 ở miền đông Ukraine, làm 298 người thiệt mạng.

RIA Novosti cho biết, một nguồn tin trong cơ quan сông lực Ukraine đã chia sẻ thông tin này với Hãng, khi đề cập đến công tác huấn luyện tháo khoá hệ thống phóng tên lửa phòng không Buk-M1 của quân đội nước này.

Theo nguồn tin trên, chỉ huy trung đoàn tên lửa phòng không 156 Ukraine được lệnh triển khai công tác huấn luyện hiệp đồng gần Donetsk, nơi quân đội Ukraine đang tiến hành các hoạt động quân sự chống lại lực lượng quân ly khai.

Nhiệm vụ của đơn vị này là tháp tùng và "tiêu diệt có điều kiện" các mục tiêu bằng tổ hợp tên lửa SAM Buk-M1 của lực lượng phòng không. Ngoài ra, 2 máy bay cường kích Su-25 cũng được lệnh điều động đến tham gia huấn luyện tại Dnepropetrovsk.

  • Mảnh vỡ máy bay Malaysia cùng những tư trang của hành khách nằm la liệt ở vùng chiến sự ở Donetsk, miền đông Ukraine.
    Mảnh vỡ máy bay Malaysia cùng những tư trang của hành khách nằm la liệt ở vùng chiến sự ở Donetsk, miền đông Ukraine.

"Dường như do sự ngẫu nhiên chết người nên sau một thời gian nào đó đường bay của chiếc Boeing của Malaysia Airlines và chiếc Su-25, mặc dù có sự khác biệt về nhóm, nhưng lại xuất hiện trùng khớp trên màn hình tại một điểm lớn. Tuy nhiên, đợt huấn luyện này không được giao chỉ lệnh bắn”.

Nguồn tin cho biết, rất có thể sự chụm lại của 3 mục tiêu, bao gồm MH17 và 2 chiếc Su-25 đã trở thành nguồn cơn bất hạnh đối với chiếc máy bay dân sự này". Thế nhưng, nguồn tin bí mật này không giải thích được nguyên nhân của vụ phóng tên lửa trái phép vì họ không được phép phóng.

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Ukraine hôm 25/7, bác bỏ thông tin này: "Máy bay MH17 không bị bắn trong cuộc tập trận huấn luyện của lực lượng phòng không Ukraine", cơ quan báo chí của bộ này cho biết. Bộ Quốc phòng Ukraine gọi đây là chuyện "hoàn toàn phi lý" và đề nghị theo dõi thông tin từ các nguồn chính thức, trong đó có trang web của bộ.

Mảnh vỡ MH17 đầy vết tích "như lỗ đạn"

Trong khi đó, thanh sát viên thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) thông báo họ phát hiện nhiều lỗ thủng trông giống lỗ do miểng bom đạn gây ra trên 2 mảnh vỡ riêng lẻ của MH17.

Ông Michael Bociurkiw, một thành viên của nhóm thanh sát viên OSCE có mặt tại hiện trường máy bay Malaysia rơi ở Ukraine, cho biết mảnh vỡ thân máy bay lổ chỗ “những lỗ trông giống như lỗ do mảnh bom đạn, gần giống như lỗ thủng do súng máy gây ra”, tờ The Wall Street Journal (Mỹ) cho biết hôm 24/7.

Các quan sát viên OSCE đã xem xét một phần thân máy bay có kích cỡ lớn trong một khu vực rừng rậm, theo ông Bociurkiw.

  • Các thanh sát viên thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đến hiện trường vụ rơi máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines
    Các thanh sát viên thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đến hiện trường vụ rơi máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines

Ngoài ra, ông Bociurkiw cũng cho biết, một phần thân máy bay lớn được tìm thấy trên cây trong khu rừng nằm gần địa điểm rơi chính của máy bay MH17 tại Donetsk.

“Tôi nghĩ nó là một phần máy bay đã rơi…Các cửa sổ, ghế vẫn còn nguyên và nếu ai đó muốn, họ thậm chí có thể trèo vào bên trong để ẩn náu”, ông Bociurkiw nói.

Ông này cũng cho hay, không có dấu hiệu cành cây bị gãy và không có gì chứng tỏ mảnh vỡ máy bay này đã rơi từ trên xuống.

Vụ MH17 là "chất xúc tác" để thay đổi cách tiếp cận của Nga

Trong một diễn biến khác, Reuters đưa tin, New York Daily News ngày 25/7 có đăng bài bình luận của Thủ tướng Anh David Cameron cho rằng vụ máy bay mang số hiệu MH17 của Hãng hàng không Malaysia Airlines phải là một "chất xúc tác" để thay đổi cách tiếp cận của Nga và chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine.

Theo nguồn tin trên, ông Cameron cho rằng Nga đang tìm cách gây mất ổn định một nước có chủ quyền, vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ (của Ukraine), vũ trang và huấn luyện lực lượng phiến quân và khiến cả thế giới phải trả giá.

Thủ tướng Cameron hối thúc Liên minh châu Âu (EU) áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Nga sau vụ rơi máy bay MH17 tại Ukraine, đồng thời bày tỏ ủng hộ EU áp lệnh cấm bán thiết bị quân sự cho Moskva trong tương lai.

Bài báo có đoạn: "Việc khiến Nga tổn thất về kinh tế cũng sẽ khiến các nền kinh tế của chính chúng ta hứng chịu một chút thiệt hại. Song các biện pháp kinh tế thực sự là ngôn từ duy nhất mà Nga sẽ hiểu... Cùng với Mỹ, châu Âu phải làm những điều cần thiết để đối mặt với Nga và đặt dấu chấm hết cho cuộc xung đột tại Ukraine trước khi có thêm sinh mạng vô tội nữa bị cướp đi".

Mỹ che giấu sự thật về vụ MH17 bị bắn hạ

Một động thái liên quan, đại tá Leonid Ivashov, người đứng đầu Trung tâm phân tích địa-chính trị quốc tế Nga, cho rằng tình báo Mỹ đã cố tình che giấu "sự thật về vai trò của Kiev trong vụ máy bay MH17 bị bắn hạ".

Sáu ngày sau khi máy bay MH17 của Malaysia bị bắn hạ, các quan chức tình báo Mỹ thừa nhận Washington không có thông tin về sự tham gia trực tiếp của Nga trong vụ việc này.

“Sự thừa nhận của cơ quan tình báo Mỹ trực tiếp bác bỏ tuyên bố của Ngoại trưởng John Kerry hôm 20/7 về một hệ thống tên lửa phòng không bắn hạ máy bay Boeing 777 của Malaysia ở miền đông Ukraine được chuyển giao từ Nga”, Đại tá Leonid Ivashov nói.

  • Lực lượng ly khai tại Ukraine phong tỏa hiện trường vụ rơi máy bay MH17 của Malaysia Airlines
    Lực lượng ly khai tại Ukraine phong tỏa hiện trường vụ rơi máy bay MH17 của Malaysia Airlines

Các giới chức an ninh Mỹ sau đó tiếp tục tuyên bố rằng máy bay chở khách của Malaysia bị bắn rơi ‘do nhầm lẫn’ của lực lượng miền đông, đồng thời khẳng định “chưa rõ liệu có người Nga nào có mặt tại bệ phóng hoặc nhóm người bắn quả tên lửa đó đã được đào tạo tại Nga hay không”, theo Itar-tass.

“Có thể thấy, người Mỹ không tìm kiếm bằng chứng để điều tra vụ tai nạn máy bay Boeing, nhưng sẵn sàng cáo buộc một cách vô căn cứ”, ông Ivashov, cựu lãnh đạo của Cơ quan hợp tác quân sự quốc tế thuộc Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

Quân đội Nga đã phát hiện chính xác nơi triển khai các hệ thống tên lửa phòng không Buk của Ukraine, phát hiện sự có mặt của máy bay chiến đấu Ukraine… tất cả dữ liệu đã được chuyển cho Liên minh châu Âu (EU). Trong khi đó Mỹ tuyên bố có hình ảnh vệ tinh liên quan tới sự việc, nhưng đến nay vẫn chưa công bố”, ông Ivashov nói.

Theo ông Ivashov, “thừa nhận Moscow không trực tiếp tham gia vào bi kịch máy bay chở khách của Malaysia, nhưng Washington che giấu sự thật về vai trò của Kiev trong vụ máy bay MH17 bị bắn hạ. Nguyên tắc bảo mật quốc gia không bao giờ phơi bày những thông tin bất lợi cho quốc gia”.

Ông Ivashov nhận định: Mỹ đang mất dần vị trí địa-chính trị ở nhiều khu vực trên toàn cầu nên “phải chăng Mỹ sử dụng thảm kịch máy bay Boeing để làm suy yếu vị trí tăng cường của Nga trên thế giới?”, ông Ivashov đặt câu hỏi.

Theo Đất Việt


Ý kiến của bạn