Vậy người “ngáo đá” có được hiểu là mất năng lực hành vi dân sự; phạm tội trong tình trạng “ngáo đá” sẽ bị xử lý như thế nào; làm sao để ngăn chặn, trấn áp loại tội phạm này..., đang được dư luận đặc biệt quan tâm.
Kinh hoàng phạm tội do “ngáo đá”
Liên quan đến phạm tội do sử dụng ma túy đá, Công an thị xã Sơn Tây (Hà Nội) cho biết đang tiến hành điều tra làm rõ vụ án con trai “ngáo đá” dùng dao chém mẹ đẻ trọng thương. Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 16h00’ ngày 11/3, Đỗ Trọng Nhân (SN 2000, trú tại Hồng Hậu, phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây, Hà Nội), dùng dao chém 6 nhát vào đầu mẹ đẻ là bà Phan Thị Bình (SN 1968), gây thương tích nặng, hiện sức khỏe của bà Bình tạm thời đã qua cơn nguy kịch và vẫn đang được theo dõi tại bệnh viện.
Hung khí công an thu giữ được trong vụ án Nguyễn Hoàng Nam.
Trước đó, vụ án Nguyễn Hoàng Nam (26 tuổi, ngụ Hóc Môn, TP. HCM) giết 4 người vẫn còn gây xôn xao dư luận trong những ngày gần đây. Theo thông tin ban đầu, Nam là con thứ 2 trong gia đình có 2 chị em do bà Trịnh Thị Bé Hai (tên thường gọi là Dân) và ông Nguyễn Văn Đức (52 tuổi) sinh ra. Từ nhỏ Nam đã không lo học hành mà chuyên tụ tập bạn bè quậy phá, đỉnh điểm của liên quan đến một vụ cướp tiệm vàng, Nam bị kết án 11 năm, mới ra tù vào tháng 6/2018. Thời điểm này bà Bé Hai và ông Đức ra tòa ly dị. Bà Bé Hai ở lại căn nhà trên ấp 1, xã Tân Hiệp mở tiệm bán đồ nướng. Ông Đức bị tiểu đường, mắt mờ nên về sống với mẹ ruột là bà Nguyễn Thị Liên (83 tuổi) ở xã Xuân Thới Thượng.
Thời gian này Nam quen với một cô gái ở Long An và thường xuyên tụ tập bạn bè sử dụng ma túy đá. Trưa 11/3, sau khi sử dụng ma túy đá Nam phê thuốc và nghĩ gia đình 2 bên ngăn cấm mình yêu cô gái ở Long An nên đã nung nấu ý định sẽ sát hại cả hai bên gia đình. Nam điều khiển xe máy cầm theo hung khí chạy xuống Cần Đước, Long An, tiếp cận bà Trịnh Thị Nết (58 tuổi, bà ngoại của người yêu) sau đó gây án khiến bà Nết tử vong. Gây án xong, Nam chạy thẳng về nhà của mẹ ở xã Tân Hiệp ra tay sát hại mẹ và lấy đi một ít tiền. Nam tiếp tục qua nhà bà nội ở xã Xuân Thới Thượng và dùng hung khí gây án khiến bà Liên tử vong tại chỗ, ông Đức bị thương nặng được chuyển vào bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi.
Về hành vi của Nguyễn Hoàng Nam, luật sư Phạm Quang Xá, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, theo quy định tại Điều 123 BLHS 2015, Nam có thể đối mặt với mức án cao nhất là tử hình. Về việc hành vi gây án của nghi phạm Nguyễn Hoàng Nam được thực hiện sau khi sử dụng ma túy, gây ảo giác có được coi là mất năng lực hành vi để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự không? Luật sư Phạm Quang Xá cho biết không thể coi Nguyễn Hoàng Nam “ngáo đá” là mất năng lực hành vi để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Điều 51 BLHS quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự có nhắc đến một tình tiết giảm nhẹ liên quan đến yếu tố tinh thần là: Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra. Như vậy, trạng thái tinh thần kích động của người phạm tội phải xuất phát từ hành vi sai trái của nạn nhân chứ không phải do người phạm tội sử dụng ma túy, rượu bia,... Do đó, chắc chắn không thể xem việc Nam sử dụng ma túy, tinh thần không tỉnh táo rồi gây án là tình tiết giảm nhẹ.
Những nguy hại khủng khiếp của các loại ma túy mới
Thời gian gần đây, bên cạnh việc giới trẻ thường dùng những loại ma túy tổng hợp, phổ biến như ketamine, methamphetamine, estacy... thì bắt đầu có một bộ phận sử dụng, lạm dụng, sa vào một số loại chất hướng thần mới (NPS), điển hình là nhóm các chất cần sa tổng hợp (XLR-11) được tẩm ướp dạng thảo mộc... Theo các chuyên gia, việc sử dụng những loại ma túy mới này đã gây ra nhiều hậu quả đáng lo ngại cho gia đình, cộng đồng và xã hội. Về mặt y tế, hiện việc điều trị nghiện amphetamin và các chất dạng amphetamin rất khó khăn. Mối nguy hại hiện nay là các chất ma túy, hướng thần này gây ảnh hưởng đến não rất nghiêm trọng. Người sử dụng ma túy tổng hợp dạng amphetamine thường bắt đầu từ việc sử dụng thuốc lắc và amphetamine, sau đó chuyển sang sử dụng ATS dạng tinh thể (đá). Tần suất mà những nhóm này sử dụng các loại ATS thường là không đồng nhất, phần lớn không sử dụng thường xuyên (vài tháng một lần), điều đó khiến người sử dụng ma túy dạng này thường nghĩ mình không bị nghiện và lệ thuộc vào loại ma túy này.
Nguy hiểm hơn, loại ma túy này còn để lại những hậu quả vô cùng tàn tệ cho sức khỏe người nghiện... Khi sử dụng nhiều và thường xuyên, người sử dụng có nhiều thay đổi bất thường về quy luật sinh hoạt và làm việc theo chiều hướng xấu. Người nghiện amphetamin sẽ bị loạn thần với các biểu hiện như nhiều ảo thị (sinh động, nhiều màu sắc, cấp diễn và ảo thanh), xuất hiện các ảo giác, các hoang tưởng thường gặp như hoang tưởng liên hệ, bị truy hại (còn gọi là “ngáo đá”) nên có thể dẫn đến hành vi giết người không ghê tay.
Theo Công an TP.HCM, công tác quản lý, đấu tranh tội phạm ma túy còn nhiều khó khăn, vướng mắc nên cần được quan tâm sửa đổi. Nhiều loại ma túy không thuộc nhóm OPIATS và ATS đã được phát hiện sử dụng trong nước nhưng lại chưa có hướng dẫn xác định tình trạng nghiện (như chất XLR-11 có trong cỏ Mỹ), trong khi đó số người sử dụng các loại ma túy nói trên ngày càng nhiều. Ma túy tổng hợp thường đưa vào khách sạn, quán bar, karaoke... để sử dụng nhưng hiện nay thiếu các biện pháp chế tài, xử lý mạnh tay đối với các chủ quán này.