Hà Nội

Gia tăng trẻ mắc bệnh đái tháo đường do béo phì, lỗi do cha mẹ ép ăn

08-11-2018 16:21 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Theo TS. BS.Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, bệnh viện hiện đang điều trị cho nhiều bệnh nhi có độ tuổi dưới 15 nhưng đã có đến 5 - 6 năm chung sống với bệnh đái tháo đường. Hầu hết những trường hợp này bị thừa cân, béo phì.

TS. Dương cho biết, nhiều trẻ chỉ học lớp 4, 5 nhưng có cân nặng lên đến 70 - 75 kg. Nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường ở trẻ nhỏ phức tạp nhưng phần lớn là do thừa cân, béo phì và ít hoạt động thể lực, sử dụng nhiều thức ăn nhanh. Thậm chí nhiều cha mẹ cho biết do còn nhỏ, con còi cọc nên ép con uống bằng được các loại sữa tăng cân và cho con ăn nhiều đồ ngọt. Trong khi đó, với tỉ lệ thừa cân béo phì ở trẻ cao như hiện nay, nguy cơ đái tháo đường tuýp 2 ở trẻ lại càng cao.

Trẻ ăn nhiều đồ ngọt dễ bị béo phì.

Điển hình là trường hợp em N.M.H. (Hà Nội, 11 tuổi) đã được chẩn đoán đái tháo đường tuyp 2. Gia đình cho biết em H. gần đây mệt mỏi, ăn ít, háo nước và đi tiểu nhiều. Trước đó, bố mẹ của H. chăm sóc con rất chu đáo, nhưng gần đây cháu đi học về thường kêu với mẹ là bị mệt. Khi cháu có biểu hiện sốt chị mới để ý đến con rất háo nước và đi tiểu nhiều. Cho con đến bệnh viện bác sĩ khám, bác sĩ cho biết cháu bị tiểu đường tuyp 2.

TS Phan Hướng Dương cảnh báo, bệnh đái tháo đường tuyp 2 đang trẻ hóa và trở thành gánh nặng y tế. Nếu không thay đổi nhanh, chính cha mẹ là người tạo ra thế hệ con cháu mang bệnh mạn tính.

Đái tháo đường là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến, đã và đang gia tăng nhanh chóng ở mọi quốc gia trên thế giới.  Nguyên nhân gây ra đái tháo đường rất phức tạp, nhưng phần lớn là do thừa cân, béo phì và ít hoạt động thể lực, sử dụng nhiều thức ăn nhanh, trẻ em bị béo phì, nghiện game và tivi… Trong đó, chủ yếu là đái tháo đường type 2, chiếm khoảng trên 90%.

Thừa cân béo phì ở trẻ là nguy cơ đái tháo đường tuýp 2 gia tăng.

Trong giai đoạn đầu khi trẻ bị bệnh thường rất khó phát hiện, chỉ khi trẻ khát nước nhiều, hay đói, tiểu nhiều và sụt cân thì gia đình mới chú ý đến bất thường trong sức khỏe của trẻ. Các dấu hiệu như co giật, hôn mê, nhiễm trùng, lơ mơ, thở nhanh, đau bụng, mất tri giác thường xuất hiện khi bệnh đã trở nặng.

Theo TS. Dương, việc phát hiện đái tháo đường ở trẻ thường rất tình cờ khi làm xét nghiệm hoặc trẻ đang được chữa trị cho một bệnh khác. Nếu không được điều trị kịp thời, trẻ có thể gặp nhiều biến chứng như giảm thị lực do đục thủy tinh thể, bệnh lý võng mạc, biến chứng thận, biến chứng tim mạch, bị khuyết tật. Nhiều trường hợp trẻ nhập viện muộn bắt buộc phải dùng insulin tiêm vì gan đã tổn thương. Khi đó, trẻ không thể điều trị khỏi hoàn toàn được và sống phụ thuộc vào thuốc. Bởi lúc đó, 50% tế bào tuyến tụy đã bị phá hủy, nếu trẻ tiếp tục không kiểm soát dinh dưỡng, tập luyện thì tình trạng bệnh rất nguy hiểm.

Bác sĩ khuyến cáo, để phòng bệnh, điều quan trọng là cần đạt được và duy trì trọng lượng cơ thể phù hợp với giai đoạn phát triển của trẻ. Tạo cho trẻ thói quen hoạt động thể lực ít nhất 30 phút ngày, đối với trẻ cần kiểm soát cân nặng cần được tăng cường luyện tập hơn. Cho trẻ ăn nhiều rau xanh, giảm đường, giảm chất béo.

Thực tế nhiều bệnh nhi bị đái tháo đường do béo phì, chỉ cần giảm khẩu phần ăn, tăng cường tập thể dục, nhất là bài tập đi bộ, sau 3 - 4 năm đã không phải dùng thuốc. Ngược lại, nếu trẻ trong độ tuổi 13-15 tuổi bị đái tháo đường nhưng không được chăm sóc bệnh tốt thì chỉ 5 năm sau bắt đầu giảm thị lực, 10-15 năm sau sẽ suy thận, trong khi đó, căn bệnh này hoàn toàn có thể phòng chống được bằng chế độ dinh dưỡng và duy trì cân nặng hợp lý - TS Dương nhấn mạnh.



Lê Hà
Ý kiến của bạn