Gia tăng trẻ em, người cao tuổi nhập viện

12-06-2015 15:51 | Thời sự
google news

SKĐS - Nắng nóng đỉnh điểm trong những ngày gần đây đã khiến nhiều người cao tuổi, trẻ em phải nhập viện.

Nắng nóng đỉnh điểm trong những ngày gần đây đã khiến nhiều người cao tuổi, trẻ em phải nhập viện. Nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh để được điều trị kịp thời và biết cách phòng bệnh sẽ giúp hạn chế những hậu quả do nắng nóng gây ra.

Nắng nóng khiến người bệnh nhập viện gia tăng. Ảnh: T.L

Suốt tuần qua, mỗi ngày, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận 2.500-3.000 lượt trẻ tới khám. Trong đó, số trẻ phải nhập viện điều trị tăng hơn bình thường. Khoảng 80% trẻ tới khám với triệu chứng sốt cao, sổ mũi, ho…; một số trẻ có dấu hiệu co giật, li bì, nôn nhiều được chẩn đoán bị viêm phổi, viêm màng não.

Do thời tiết nắng nóng, mỗi ngày, khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai có hàng trăm trẻ đến khám và nhập viện, có thời gian cao điểm còn lên tới 150 trẻ. Tỷ lệ trẻ nhập viện tăng từ 20 - 30% so với thời điểm trước nắng nóng. Nhiều trẻ bệnh cứ phát đi phát lại, vừa được chữa khỏi bệnh này, về nhà lại mắc bệnh khác.

Tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, số người đến khám tăng 15%-20% so với ngày thường, chủ yếu là bệnh nhân tăng huyết áp và viêm đường hô hấp, dị ứng. nắng nóng cũng làm cho số lượng bệnh nhân tai biến mạch máu não và tăng huyết áp tăng nhanh ở các bệnh viện do mạch co mạnh, đột ngột.

Trung bình mỗi ngày, khoa Khám đa khoa cấp cứu, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng tiếp nhận 600-700 lượt bệnh nhi đến khám. Những ngày cao điểm có đến gần 1.000 lượt, tăng hơn ngày thường 30%-40%. Trẻ khám và nhập viện trong thời điểm này chủ yếu mắc các bệnh về đường hô hấp, viêm phổi, viêm phế quản…

Bác sĩ Đinh Văn Minh

Xem tiếp bài sau: 6 bệnh thường gặp mùa nóng

vào ngày 15/6/2015

 

Lời khuyên của thầy thuốc

Để phòng ngừa các bệnh xảy ra vào mùa nắng nóng, cần tạo thói quen vệ sinh cá nhân tốt như rửa tay sạch sẽ đúng cách bằng xà phòng và nước sạch trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh để loại bỏ tác nhân gây bệnh từ chính đôi bàn tay. Việc chế biến và bảo quản đồ ăn, thức uống phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm loại trừ tác nhân gây bệnh ở đường tiêu hóa. Cần giữ môi trường sống luôn thông thoáng. Phát quang các bụi rậm, loại bỏ những nơi nước đọng để ngăn chặn sự phát triển của muỗi vằn. Ngủ màn, diệt lăng quăng để phòng bệnh sốt xuất huyết.

Tăng cường bổ sung nước để bù đắp lượng nước đã mất do thoát mồ hôi cho cơ thể. Những loại nước rất tốt cho cơ thể là nước ép trái cây, nước cam, nước dừa tươi… giúp cơ thể không bị mất nước và tăng cường sức khỏe để phòng ngừa bệnh tật.

Hạn chế ra ngoài đường trong khi trời nắng, nếu đi cần trang bị những dụng cụ tránh nắng cần thiết và đeo khẩu trang để bảo vệ đường hô hấp.

Với người cao tuổi, người mắc bệnh tăng huyết áp, cần phải thận trọng, không đột ngột ra, vào phòng điều hòa hay đột ngột từ phòng điều hòa bước ra ngoài trời nắng nóng để tránh xảy tai biến mạch máu não. Bên cạnh đó cần ăn đủ dinh dưỡng; uống nước nhiều lần trong ngày. Tránh ra đường khi ngoài trời nắng to, tập thể dục nhẹ lúc sáng sớm, tránh đổ mồ hôi nhiều. Nếu bệnh nhân mắc các bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, phải uống thuốc đều hằng ngày theo đơn của bác sĩ.

 

 

 

 


Ý kiến của bạn