Phòng ngừa xâm hại, bạo lực trẻ em
Theo thống kê của Cục Trẻ em, trong 3 tháng đầu năm nay, cả nước có 147 trẻ bị xâm hại, tăng 30 em so với quý 1/2021, trong đó có các trường hợp bị bạo lực, xâm hại tình dục, bị bắt cóc, mất tích hoặc bị bỏ rơi. Trong quý I năm nay, Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận hơn 202.000 cuộc gọi, tư vấn khoảng 10.600 ca (tăng hơn 45% so với cùng kỳ năm 2021).
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết, thời gian qua, những hành vi xâm hại trẻ em, đặc biệt là bạo lực trẻ em trong gia đình và xâm hại tình dục diễn ra khá phức tạp. Vì vậy, chúng ta cần tăng cường nhận thức hành vi của xã hội, của cộng đồng dân cư là phải mạnh dạn lên tiếng, tố cáo các hành vi, các nghi ngờ về xâm hại trẻ em. Đừng để xảy ra vụ việc khi nó quá phức tạp rồi, gây hậu quả nghiêm trọng rồi thì chúng ta mới giải quyết, mới can thiệp.
"Một trong những chìa khóa để tăng cường công tác phòng ngừa là vận động toàn xã hội quan tâm hơn nữa, chú ý hơn nữa để phát hiện kịp thời những nghi ngờ, những hành vi xâm hại trẻ em để thông báo, tố giác kịp thời đến cơ quan chức năng", ông Nam cho biết.
Trang bị kỹ năng phòng ngừa cho trẻ em trên môi trường mạng
Theo thống kê trong thời gian dịch bệnh COVID-19 lên đỉnh điểm, tỉ lệ các cuộc tấn công mạng vào lĩnh vực giáo dục tăng cao nhất, chiếm khoảng 61% số cuộc tấn công mạng. Số vụ tấn công mạng vào các tài nguyên giáo dục với mục đích không cho người dùng truy cập được tăng ít nhất 350% so với trước đó. Hiện tượng xâm hại trẻ em trên môi trường mạng cũng trở thành vấn đề đáng báo động.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững và Tổ chức cứu trợ trẻ em Quốc tế tại Việt Nam, ở các TP lớn, Việt Nam có gần 97% số trẻ em sử dụng mạng internet cho nhiều mục đích khác nhau như học tập, tìm kiếm thông tin, giải trí, chơi game. Tuy nhiên, chỉ có hơn 10% trẻ em có kiến thức cơ bản về xâm hại tình dục qua môi trường mạng và phần lớn các em tự học cách dùng internet trên mạng và bạn bè.
Để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, đầu tháng 6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025". Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một Chương trình ở cấp quốc gia riêng về vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Chương trình có mục tiêu bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em khi trẻ em tiếp cận thông tin, tham gia các hoạt động trên môi trường mạng và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm đối với trẻ em dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật.
Theo Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam, để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng thì làm thế nào để từ hành vi, tổn hại trên môi trường mạng chuyển sang kết nối với những hỗ trợ bằng các dịch vụ để giảm nhẹ tổn hại đối với trẻ em. Do đó, Cục Trẻ em đang xây dựng quy trình có thể kết nối bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng với các dịch vụ, điều kiện chăm sóc một cách đầy đủ và toàn diện.
Ông Nam mong muốn báo chí truyền thông giúp xã hội, các phụ huynh nhận thức tốt và cập nhật kiến thức kỹ năng chăm sóc bảo vệ trẻ em. Cũng như phụ huynh hướng dẫn con sử dụng mạng xã hội đúng cách, hợp lý và mang lại lợi ích cho việc học. Cha mẹ phải giám sát, khóa các kênh có nội dung truyền bá độc hại; luôn làm bạn với con, lắng nghe, nắm bắt những sự việc diễn ra xung quanh trẻ để có định hướng kịp thời. Và, tất cả cộng đồng xã hội, thành viên trong gia đình hãy mạnh dạn lên tiếng, tố cáo những hành vi, nghi ngờ về xâm hại bạo lực trẻ em đến Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em (111) để chung tay bảo vệ trẻ em.
Thông điệp của Tháng hành động vì trẻ em và 3 tháng hè năm 2022
1. Trẻ em phải được an toàn trong ngôi nhà của mình;
2. Roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng;
3. Pháp luật nghiêm trị mọi hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em;
4. Kiên quyết phòng, chống bạo lực trẻ em trong gia đình;
5. Hãy lên tiếng để ngăn chặn mọi hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em;
6. Gọi 111 để thông báo, tố giác mọi hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em;
7. Số 111 - tiếp nhận thông tin mọi lúc, bảo vệ trẻ em mọi nơi.
8. Toàn Đoàn đẩy mạnh Cuộc vận động "Vì đàn em thân yêu"
9. Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em.
10. Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động.