Gia tăng tình trạng xoắn tinh hoàn ở trẻ em, cách nào nhận biết sớm?

13-08-2024 16:11 | Y tế

SKĐS - Việc xoắn tinh hoàn ở trẻ nhỏ sẽ gây tổn thương tinh hoàn do thiếu máu cục bộ, dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng cuộc sống của trẻ sau này nếu không điều trị kịp thời.

Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết, thời gian gần đây, số lượng ca bệnh nhập viện với chẩn đoán xoắn tinh hoàn có chiều hướng tăng mạnh. Từ tháng 1/2024 đến ngày 10/8, tổng số ca phải điều trị xoắn tinh hoàn là 58 ca.

Ngày 31/7, em N.T.P. (SN 2013, trú thị xã Nghi Sơn) xuất hiện khối sưng đau vùng tinh hoàn trái. Sau khi nhập viện, em P được bác sĩ thăm khám lâm sàng thấy tinh hoàn trái, vùng bẹn, bìu trái khối chắc ít di động, ấn đau. Tinh hoàn và bìu phải bình thường. Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng (siêu âm bẹn bìu), em P. được xác định xoắn tinh hoàn trái.

Gia tăng tình trạng xoắn tinh hoàn ở trẻ em, cách nào nhận biết sớm?- Ảnh 1.

Từ tháng 1/2024 đến ngày 10/8, tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa có 58 ca xoắn tinh hoàn.

Em P. được chỉ định mổ cấp cứu tháo xoắn cố định tinh hoàn trái. Sau mổ cấp cứu, bệnh nhân tiến triển tốt, không đau, không sốt đi lại bình thường.

Trước đó, người nhà một bệnh nhi mới 28 ngày tuổi phải thực hiện ca phẫu thuật cắt tinh hoàn cho biết, khi ở tuần thai thứ 34, trẻ được siêu âm phát hiện tinh hoàn còn vướng ở ống bẹn chưa xuống bìu. Sau khi sinh được 5 ngày tuổi, trẻ được siêu âm ở phòng khám tư, kiểm tra là phát hiện tinh hoàn vẫn chưa xuống đúng chỗ và được dặn về tiếp tục theo dõi tại nhà, 1 tháng sau kiểm tra lại.

Từ ngày sinh thứ 27, trẻ bắt đầu hay quấy khóc, bắt bế, giảm bú. Đến chiều tối cùng ngày, vùng bẹn của trẻ sưng cứng, đỏ tấy. Các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị thoát bị bẹn nghẹt bên trái, xoắn tinh hoàn và được chỉ định mổ cấp cứu.

Bác sĩ Lưu Viết Dũng, Phó trưởng khoa Tiết niệu, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết, xoắn tinh hoàn ở trẻ em là một vấn đề bệnh lý cấp tính liên quan đến mạch máu, thừng tinh bị xoắn quanh trục khiến con đường vận chuyển máu đến cơ quan bị gián đoạn. Tình trạng này gây tổn thương tinh hoàn do thiếu máu cục bộ, rất dễ dẫn đến biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời.

Hiện nay, chưa tìm được nguyên nhân chính xác của bệnh xoắn tinh hoàn ở trẻ em. Một trong những yếu tố có thể dẫn đến hiện tượng này là do sự chuyển đổi đột ngột nội tiết tố trong cơ thể khi bước vào lứa tuổi dậy thì.

Theo bác sĩ Dũng, tất cả những trường hợp xoắn tinh hoàn đều cần được cấp cứu kịp thời. Việc nhận biết, phát hiện bệnh sớm có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình điều trị bệnh và giảm thiểu nguy cơ biến chứng. Cha mẹ tuyệt đối không được chủ quan với bất cứ triệu chứng bất thường nào ở trẻ.

Cần thường xuyên kiểm tra vùng bìu của trẻ. Khi vùng bìu sưng đau khiến bé không cho mẹ sờ vào, có biểu hiện quấy khóc, bỏ bú, da bìu phù nề, sốt, hoặc thấy một bên tinh hoàn trống. Đối với trẻ lớn đau phần bìu và phần bụng dưới, những cơn đau thường xảy ra đột ngột, có thể đau ở một hoặc cả hai bên.

"Nếu thấy những biểu hiện này, cha mẹ không nên chủ quan, cần đưa con đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Việc phát hiện muộn, chậm trễ việc điều trị sẽ khó bảo tồn được tinh hoàn cho trẻ, ảnh hưởng tâm lý và khả năng sinh sản trong tương lai", bác sĩ Dũng cho biết thêm.

Bi kịch của chàng trai 24 tuổi bị thoát vị bẹn và xoắn tinh hoànBi kịch của chàng trai 24 tuổi bị thoát vị bẹn và xoắn tinh hoàn

SKĐS - Theo các bác sĩ những trường hợp bị thoát vị bẹn và xoắn tinh hoàn như vậy rất khó có con, cần được chẩn đoán và xử trí sớm để không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống sau này.


Ngọc Hưng
Ý kiến của bạn