Kết quả nghiên cứu của các chuyên gia Đại học California (UOC), Mỹ phát hiện thấy, gia tăng tế bào não là thủ phạm làm tăng bệnh tự kỷ ở trẻ nhỏ. Cụ thể, nếu não của trẻ sản xuất quá nhiều tế bào, nhất là trong vùng thùy não trước, nơi đảm nhận xử lý cảm xúc và truyền thông sẽ làm tăng rủi ro mắc bệnh.
Kết luận này trùng khớp với thực tế, những đứa trẻ mắc bệnh tự kỷ thường có kích thước vùng não nói trên lớn hơn những đứa trẻ bình thường. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học còn phát hiện thấy bệnh tự kỷ phát triển ngay từ giai đoạn mang thai, nhất là từ tháng thứ 4 trở đi, khi các tế bào não ở vùng thùy trán trước phát triển mạnh. Nghiên cứu ở 6 đứa trẻ không mắc bệnh và 7 đứa trẻ mắc bệnh tự kỷ, tất cả đã chết, nhóm đề tài đã phát hiện thấy vùng thùy não trước ở những đứa trẻ mắc bệnh tự kỷ có số lượng tế bào tăng tới 67% so với những đứa trẻ khỏe mạnh và từ sự gia tăng về số lượng tế bào này đã gây gián đoạn chức năng của não. Ngoài ra, có từ 10 - 20% số ca mắc bệnh là do yếu tố di truyền, yếu tố khách quan trong giai đoạn thai kỳ mà đến nay khoa học chưa giải thích được. Phát hiện trên mở ra một hướng đi mới, giúp hiểu thêm về bệnh tự kỷ, căn bệnh đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị.
Khắc Nam (Theo MH, 12/2011)