Hà Nội

Gia tăng tai nạn lao động cận Tết: Ðừng tăng tốc để thành tang tóc

01-02-2016 02:26 | Xã hội
google news

SKĐS - Tháng cuối năm, nhiều công ty có áp lực đạt kế hoạch, kịp đơn hàng nên buộc phải tăng ca, tăng kíp. Cường độ làm việc tăng, công nhân ít có thời gian để nghỉ ngơi nên tai nạn lao động (TNLĐ) tăng bất thường.

Liên tiếp TNLĐ nghiêm trọng

Khoảng 14h15 chiều 30/1, chiếc xe cần cẩu nặng hàng chục tấn đang đưa các khối đá bê tông lớn để thử tải tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên, cách ngã tư Bình Thái khoảng 300m, thuộc phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, TP.HCM thì bất ngờ mất thăng bằng rồi đổ sập xuống. Phần tay cẩu dài hàng chục mét ngã đè vào hàng cây xanh trên tuyến xa lộ Hà Nội khiến nhiều người đi đường một phen hoảng hồn. Sự cố khiến người điều khiển cần cẩu bị thương phải nhập viện cấp cứu. Lực lượng chức năng có mặt sau đó tiến hành điều tra vụ việc.

Hiện trường một vụ TNLĐ tại Hà Nội tháng 12/2015.

Trong buổi sáng cùng ngày 30/1, một vụ TNLĐ nghiêm trọng khác xảy ra tại công trình khách sạn Royal Lotus Đà Nẵng. UBND TP. Đà Nẵng đã có thông tin chính thức về vụ việc này. Cụ thể, khoảng 1h30’ cùng ngày, xe tải chở gỗ của nhà thầu phụ thi công hạng mục cửa gỗ nội thất khối phòng nhà khách về đến công trình. Phía cung cấp hàng cùng đơn vị thi công đã sử dụng vận thăng của công trình để vận chuyển số hàng lên các tầng cao. Tuy nhiên trong quá trình vận chuyển, vận thăng đã bị rơi làm 6 lao động thương vong. Đã có 5 nạn nhân tử vong, 1 người hiện đang trong tình trạng nguy kịch.

Áp lực tăng, tai nạn tăng

Thời gian gần đây, Khoa Cấp cứu BV Việt Đức (Hà Nội) phải tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị tai nạn trong quá trình sản xuất. Một nạn nhân cho biết, bởi áp lực chỉ tiêu sản lượng, nên cơ sở của anh phải tăng ca, kíp triền miên, lao động thường xuyên trong tình trạng mệt mỏi, thiếu ngủ, nên rất dễ sơ xảy.

Khoa Phẫu thuật cột sống của BV Việt Đức cũng tiếp nhận trung bình 2-3 ca ngã giàn giáo/ngày. “Đây là 2 trong số 5 nhóm bị TNLĐ nặng, bệnh nhân bị tai nạn ngã giàn giáo thường có tỷ lệ thương vong cao nhất và rất khó có thể hồi phục. TNLĐ do máy móc, tuy tỷ lệ tử vong không nhiều nhưng các chấn thương thường rất nặng nề, quá trình phẫu thuật hoặc điều trị rất tốn kém” - BS. Nguyễn Xuân Hùng - Trưởng khoa Khám bệnh BV Việt Đức cho biết. Đồng thời thống kê không chính thức tại BV Việt Đức cho thấy vào khoảng 3 tháng cuối năm, số vụ TNLĐ lại tăng khoảng 20% so với các quý trước. Trong đó, tai nạn do ngã giàn giáo lên tới 303 trường hợp (chiếm 14,6% tổng số vụ TNLĐ mà bệnh viện tiếp nhận), xếp sau đó là tai nạn máy móc với 259 vụ (chiếm 12,5%). Nhiều bệnh nhân bị TNLĐ cho biết đã phải làm liên tục từ 12-14 giờ/ngày

Ý thức phải từ doanh nghiệp và người lao động

Ông N.C.C - một chủ thầu xây dựng ở Hà Đông cho biết: “Cuối năm là mùa cao điểm xây dựng. Ngay cả các công ty xây dựng lớn còn phải thuê các nhóm thợ của các cai thầu. Công ty nhỏ thì phải thuê thêm lao động thời vụ. Những tai nạn nặng thì không nói, còn những ca nhỏ như rách tay, chân, rạn gân, gãy xương... thì vô số kể”.

Theo ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), để hạn chế tình trạng TNLĐ cuối năm, Cục và Bộ LĐTBXH đã có những giải pháp tăng cường thanh kiểm tra, tập trung vào những ngành có xảy ra nhiều TNLĐ như các hầm kín, dễ cháy nổ... yêu cầu thanh tra của 63 tỉnh thành, liên ngành vào cuộc.

Thiết nghĩ, việc tăng tốc thi công, sản xuất dịp cuối năm là tất nhiên, nhưng song song với đó, các doanh nghiệp cần phải chủ động đảm bảo an toàn, bất cứ một sơ suất nhỏ cũng có thể để lại hậu quả khôn lường. Người lao động cũng cần có ý thức bảo vệ cho chính mình, bởi những chi phí để giải quyết hậu quả thường lớn hơn rất nhiều cái họ nhận được.


Bình An
Ý kiến của bạn