Gần đây ở Thành phố Hồ Chí Minh liên tiếp xảy ra tai nạn giao thông gây chết người do hành vi sử dụng điện thoại di động, các thiết bị nghe, nhìn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Phòng Cảnh sát giao thông Thành phố Hồ Chí Minh (PC08) đã cảnh báo nguy hiểm do hành vi trên.
Điển hình là vụ xe ôtô đầu kéo 43H-070.01 kéo sơ mi rơ moóc 43RM-005.15 (chở container loại 40 feet có hàng bên trong), do tài xế T.D.K (sinh năm 1987, ở Thôn Bình Lợi, xã Kỳ Tiến, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) điều khiển, lưu thông trên Tỉnh lộ 8, hướng từ tỉnh Bình Dương đi Củ Chi.
Khi đến đoạn ở thị trấn Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh) xe này bất ngờ đâm sập dải phân cách, lao qua làn đường ngược lại, đâm sập hoàn toàn căn nhà số 160 Tỉnh lộ 8, khu phố 2A rồi mới dừng lại. Lái xe mắc kẹt và chết trong cabin xe.
Camera hành trình trên xe container cho thấy, thời điểm xảy ra vụ tai nạn, tài xế không tập trung lái xe, mải mê xem iPad dẫn tới lạc tay lái rồi đâm vào dải phân cách và nhà dân. Ngoài ra, cơ quan điều tra còn nghi vấn tài xế đã lái xe liên tục quá 4 giờ.
Theo Thượng tá Đoàn Văn Quới, Phó Trưởng phòng PC08, qua phân tích các vụ tai nạn giao thông cho thấy, nguyên nhân gây tai nạn giao thông do người lái xe thiếu tập trung quan sát chiếm tỉ lệ khá cao, trong đó có việc sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện phương tiện.
Việc sử dụng các thiết bị nghe, nhìn như điện thoại di động, máy tính bảng khi tham gia giao thông làm giảm đáng kể khả năng tập trung quan sát, phán đoán và tốc độ phản ứng của người lái xe.
Đối với xe máy, việc điều khiển xe bằng một tay giảm thiểu sự chắc chắn và khả năng linh hoạt điều hướng phương tiện.
Hơn nữa, khi tay trái cầm điện thoại sẽ khiến người lái xe không thể sử dụng phương pháp phanh kết hợp ở xe tay ga.
Khi sự cố bất ngờ xảy ra, thay vì sử dụng kết hợp phanh trước và sau đồng thời (phanh hai tay), người lái xe bị giật mình, sử dụng phanh trước (tay phải) mạnh và đột ngột, khiến xe bị trượt bánh, quãng đường phanh dài, dễ dẫn đến tai nạn giao thông.
Thậm chí, việc sử dụng điện thoại di động, máy tính bảng để đàm thoại, nghe nhạc thông qua loa ngoài hoặc tai nghe cũng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cao do não bộ con người không thể thực hiện hiệu quả đồng thời hai nhiệm vụ.
Việc nghe nhạc hoặc đàm thoại có thể khiến người lái xe bị phân tâm, mất tập trung vào việc quan sát và điều khiển phương tiện.
Ngoài ra, âm thanh lớn từ hệ thống loa trên xe ôtô hoặc tai nghe có thể lấn át âm thanh cảnh báo từ các phương tiện giao thông khác, Thượng tá Đoàn Văn Quới chia sẻ.
Công nghệ thông tin, mạng internet, điện thoại di động, máy tính bảng phổ biến mang lại nhiều tiện ích và trở thành vật bất ly thân với nhiều người.
Tuy nhiên, khi tham gia giao thông, việc sử dụng các thiết bị này là hành vi vi phạm pháp luật, hành động thiếu trách nhiệm, gây nguy hiểm cho bản thân, cộng đồng và có thể dẫn đến hậu quả đau lòng.
Phòng Cảnh sát giao thông Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân nói không với thói quen nêu trên, góp phần xây dựng môi trường giao thông văn minh và an toàn.
Đồng thời sẽ tham mưu Công an Thành phố kiến nghị tăng nặng mức phạt đối với hành vi sử dụng điện thoại di động hoặc các thiết bị điện tử khác khi đang điều khiển phương tiện tham gia giao thông tại Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Hiện nay, mức xử phạt đối với hành vi sử dụng điện thoại di động, thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính) khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông là từ 80.000 đồng đến 3 triệu đồng đối với người điều khiển xe đạp, xe máy điện, xe gắn máy, môtô, ôtô. Đồng thời, người vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe nếu gây tai nạn giao thông..../.