Hà Nội

Gia tăng số vụ vi phạm pháp luật của người nước ngoài: Dấy lên những lo ngại...

18-08-2019 08:11 | Thời sự
google news

SKĐS - Với xu thế hội nhập quốc tế ngày càng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu thì số lượng người nước ngoài vào nước ta kinh doanh, lao động, sinh sống, học tập, du lịch... ngày càng đông.

Theo “Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2019”, năm 2018 có 16.178 doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên lãnh thổ nước ta và hàng trăm nghìn người nước ngoài đến sinh sống, làm việc ở Việt Nam. Theo Tổng cục Du lịch, năm 2018 gần 15,5 triệu lượt người; 7 tháng đầu năm 2019, gần 10 triệu lượt khách du lịch quốc tế tới Việt Nam. Trong tương lai, số doanh nghiệp FDI và số lượng người nước ngoài đến nước ta kinh doanh, làm việc, du lịch... không dừng lại ở những con số trên đây.

Thực tế cho thấy, hầu hết người nước ngoài đến Việt Nam đều vì những động cơ, mục đích tốt đẹp, lành mạnh và họ đã góp phần quan trọng đối với sự phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội của nước ta. Tuy nhiên, bên cạnh đó có một bộ phận nhỏ thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như buôn bán ma túy và các loại hàng cấm; tổ chức và tham gia các tệ nạn cờ bạc, mại dâm, lừa đảo và không loại trừ những hành động xâm phạm an ninh, quốc phòng.

Từ sự kiện hơn 380 người Trung Quốc đánh bạc trực tuyến ở khu đô thị Our City có 100% vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thuộc quận Dương Kinh, Hải Phòng bị công an bắt cuối tháng 7 vừa qua, phần nào cho thấy số vụ, quy mô những vụ vi phạm luật pháp Việt Nam của người nước ngoài ngày càng tăng và đặt ra trách nhiệm quản lý nhà nước liên quan. Trong số gần 400 người bị bắt, chỉ có 27 người Trung Quốc đăng ký tạm trú với chính quyền cơ sở. Vậy hơn 360 người còn lại là ai, đến Việt Nam làm gì, thì chính quyền địa phương không hề hay biết, qua đó thấy rõ yếu kém, sơ hở. Một lãnh đạo UBND quận Dương Kinh cho biết, vì dự án khu đô thị Our City là doanh nghiệp 100% vốn FDI, theo phân cấp là do thành phố quản lý. Cho nên “Bình thường thì quận không có thẩm quyền kiểm tra những đơn vị vốn 100% FDI. Trong trường hợp quận muốn xuống làm việc cũng phải có kế hoạch và thông báo trước cho đơn vị này”. Với cung cách quản lý như thế này, liệu các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương có phát hiện kịp thời các hoạt động của người nước ngoài vi phạm về an ninh, quốc phòng hay không?

Không riêng gì vụ này, gần đây số vụ người nước ngoài vi phạm pháp luật như lừa đảo, trộm cắp, buôn bán ma túy và hàng cấm, tội phạm sử dụng công nghệ cao, thậm chí sang Việt Nam để ăn xin... đang có xu hướng tăng.

Ngày 29/3/2019, công an Quảng Nam đã khởi tố, bắt tạm giam Ezechiedo (quốc tịch Nigieria, tạm trú tại quận 12, TP. HCM) và 4 người Việt Nam thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt 100 tỷ đồng của nhiều phụ nữ người Việt.

Ngày 19/4/2019, tại khách sạn Duy Nhất, đại lộ Nguyễn Tất Thành, TP. Nha Trang, công an đã bắt hàng chục người Trung Quốc lắp đặt thiết bị công nghệ cao để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn mạo danh nhà chức trách, dùng điện thoại khống chế, đe dọa, ép buộc người khác chuyển tiền vào tài khoản của chúng.

Mới đây, cuối tháng 6/2019, 1 nam thanh niên nước ngoài đang xin tiền ở khu vực Lăng Ông (công viên biển Đông, quận Sơn Trà) thì bị Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng phát hiện. Phòng QLXNC Đà Nẵng xác định là He Jian Jian (26 tuổi, ngụ TP. Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc). He khai nhận được cấp thời hạn nhập cảnh 3 tháng từ 13/6 - 13/9. Sau đó đón xe vào Đà Nẵng và đi ăn xin được 4 ngày thì bị phát hiện. Trước đó, Phòng QLXNC Đà Nẵng cũng mời 1 trường hợp về làm việc. Người đàn ông này trên 60 tuổi, quốc tịch Trung Quốc, nhập cảnh Việt Nam ngày 20/3 và đến Đà Nẵng ngày 26/3. Ông ta thuê một phòng trọ và hàng ngày đi lang thang xin tiền người dân ở các quán cà phê lớn của trung tâm thành phố.

Đáng nói, cả 2 trường hợp người nước ngoài trên đều nhập cảnh Việt Nam bằng đường bộ, qua cửa khẩu phía Bắc và có đầy đủ giấy tờ hợp pháp, visa vẫn còn hạn. Như vậy, mục đích nhập cảnh đến Đà Nẵng của họ đều là để hành nghề ăn xin chứ hoàn toàn không phải để đi du lịch. Bản thân họ cũng cũng biết việc đi ăn xin là trái với quy định của địa phương nên đã tự nguyện xin về nước.

Lo ngại hơn là thời gian gần đây, lực lượng chức năng đã bắt giữ hàng loạt vụ buôn bán, vận chuyển ma túy với khối lượng lớn, do người nước ngoài cầm đầu. Ngày 11/5/2019, tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, Công an TP. Hồ Chí Minh bắt Jhu Minh Jyun, người Đài Loan (Trung Quốc) và tịch thu gần 500kg ma túy đá.

Trên đây chỉ là một số ví dụ trong số hàng loạt vụ phạm tội của người nước ngoài trong những tháng đầu năm 2019, để nói lên mức độ, quy mô hoạt động, tính chất nghiêm trọng của loại tội phạm này. Qua đó cũng cho thấy công tác quản lý người nước ngoài ở Việt Nam còn hình thức, chưa đáp ứng được thực tế cuộc sống. Các cơ quan chức năng của ta chỉ nắm được người nước ngoài đến Việt Nam, còn họ đi đâu, ở đâu, làm gì thì chưa quản lý sâu sát, chặt chẽ. Đây chính là sơ hở lớn để các loại tội phạm người nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ nước ta.

Trước những vấn đề mới phát sinh, mang lại những hệ lụy tiêu cực, cần có phương cách quản lý nhà nước sao cho hạn chế thấp nhất những hệ lụy để đảm bảo lợi ích văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng. Để ngăn chặn tình trạng đó, các bộ ngành cùng các địa phương cần phải có giải pháp quản lý người nước ngoài đồng bộ, hiệu quả và phải xem đây là công việc cấp bách.


MẠNH HÙNG
Ý kiến của bạn