Ca mắc cúm đang gia tăng
Từ sau Tết Nguyên đán, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An ghi nhận sự gia tăng số lượng bệnh nhi mắc cúm A, B và các loại cúm khác. Bệnh viện liên tục tiếp nhận trẻ đến thăm khám với các triệu chứng sốt cao, sổ mũi, ho. Đặc biệt, một số trẻ nhập viện sau 3-4 ngày mắc bệnh và đã xuất hiện các biến chứng như viêm phổi, viêm tai giữa, làm kéo dài thời gian điều trị. Phần lớn các trường hợp này là do bố mẹ tự ý dùng thuốc điều trị cho trẻ tại nhà mà không có đơn kê của bác sĩ hoặc đưa trẻ đến khám muộn.
Mỗi ngày, Bệnh viện tiếp nhận từ 400-500 lượt bệnh nhi đến khám, trong đó có 100-125 bệnh nhi mắc cúm, chiếm 20-25% tổng số bệnh nhân khám. Số lượng bệnh nhi mắc cúm phải nhập viện dao động từ 30-40 trẻ/ngày.
![Gia tăng số trẻ mắc cúm mùa, bác sĩ chỉ ra dấu hiệu cần nhập viện ngay- Ảnh 1. Gia tăng số trẻ mắc cúm mùa, bác sĩ chỉ ra dấu hiệu cần nhập viện ngay- Ảnh 1.](https://suckhoedoisong.qltns.mediacdn.vn/324455921873985536/2025/2/7/gia-tang-so-tre-nhap-vien-vi-cum-mua-o-nghe-an-dau-hieu-can-nhap-vien-ngay7-17388914499411842834856.jpg)
Mỗi ngày, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp nhận từ 100-125 bệnh nhi mắc cúm, chiếm 20-25% tổng số bệnh nhân khám.
Đưa con nhỏ 36 tháng tuổi đến thăm khám tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, chị Trần Thị. T (xã Hưng Chính - TP Vinh) chia sẻ, 3 ngày trước, cháu N.Q.M. bị sốt nhưng gia đình không đưa đến cơ sở y tế kịp thời. "Chiều 6/2, gia đình đưa cháu đến khám và xét nghiệm, bác sĩ phát hiện cháu bị cúm B kèm theo biến chứng viêm phế quản cấp" chị T. nói.
Với sự gia tăng đột biến các ca mắc cúm A, B trong những ngày gần đây, theo BSCKII Vương Thị Minh Nguyệt, Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, bệnh cúm mùa thường có xu hướng lan rộng thành dịch vào mùa Đông - Xuân. Thời tiết lạnh, mưa nhiều, nồm ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho virus và vi khuẩn phát triển, làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Tình trạng nhiều trẻ mắc cúm mùa đã xuất hiện từ trước Tết và kéo dài đến nay.
Bên cạnh đó, vào thời điểm này, nhiều lễ hội diễn ra, mọi người đi lại nhiều, dễ tạo cơ hội lây lan dịch cúm. Nhiều người thường chủ quan khi mắc cúm, cho rằng bệnh nhẹ và không đi khám sớm. Khi bệnh tiến triển nặng và bệnh nhân nhập viện muộn, việc điều trị sẽ trở nên khó khăn hơn.
![Gia tăng số trẻ mắc cúm mùa, bác sĩ chỉ ra dấu hiệu cần nhập viện ngay- Ảnh 2. Gia tăng số trẻ mắc cúm mùa, bác sĩ chỉ ra dấu hiệu cần nhập viện ngay- Ảnh 2.](https://suckhoedoisong.qltns.mediacdn.vn/324455921873985536/2025/2/6/gia-tang-so-tre-nhap-vien-vi-cum-mua-o-nghe-an-dau-hieu-can-nhap-vien-ngay-17388508534831056208886.jpg)
BSCKII Vương Thị Minh Nguyệt – Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An khám cho trẻ bị sốt, nghi mắc cúm mùa.
Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với các triệu chứng như sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Bệnh lây lan nhanh qua đường hô hấp, qua các giọt bắn từ mũi họng khi hắt hơi hoặc ho. Thông thường, bệnh nhẹ và hồi phục trong 2 - 7 ngày.
Để tránh các biến chứng nguy hiểm, BS Nguyệt cảnh báo, phụ huynh cần lưu ý đưa trẻ đi khám ngay nếu có những dấu hiệu sau, sốt cao liên tục, hoặc co giật; khó thở, thở nhanh; tím môi và đầu chi, tay chân lạnh; trẻ li bì, mệt mỏi, ăn kém, nôn trớ nhiều…
Ngoài ra, đối với trẻ em dưới 6 tháng tuổi, trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh, suy giảm miễn dịch, hay người lớn tuổi mắc các bệnh mãn tính như tim, phổi, thận, chuyển hóa hoặc thiếu máu, bệnh có thể diễn biến nặng, dễ gây biến chứng và thậm chí tử vong.
BS Nguyệt cũng khuyến cáo, phụ huynh không tự ý điều trị tại nhà, đảm bảo trẻ được tiêm phòng cúm đầy đủ hàng năm và đưa trẻ đến cơ sở y tế điều trị kịp thời là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của trẻ khi dịch cúm đang có chiều hướng tăng.
Không tự ý dùng thuốc
Số ca mắc cúm gia tăng, thị trường mua bán thuốc cảm cúm cũng sôi động hơn. Các bác sĩ tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An khuyến cáo, thuốc cảm cúm chỉ nên mua theo đơn, và không phải trường hợp nào mắc cúm cũng cần điều trị bằng thuốc này.
Ngoài ra, việc sử dụng thuốc cần phụ thuộc vào thời điểm phát hiện bệnh. Nếu dùng thuốc trong giai đoạn sau của cúm, hiệu quả sẽ không cao, gây lãng phí và có thể dẫn đến tác dụng phụ không mong muốn.
![Gia tăng số trẻ mắc cúm mùa, bác sĩ chỉ ra dấu hiệu cần nhập viện ngay- Ảnh 3. Gia tăng số trẻ mắc cúm mùa, bác sĩ chỉ ra dấu hiệu cần nhập viện ngay- Ảnh 3.](https://suckhoedoisong.qltns.mediacdn.vn/324455921873985536/2025/2/7/gia-tang-so-tre-nhap-vien-vi-cum-mua-o-nghe-an-dau-hieu-can-nhap-vien-ngay4-17388897849351251622176.jpg)
Virus cúm liên tục biến đổi, vì vậy tiêm vaccine được xem là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất.
Về vấn đề này, ThS. BS Nguyễn Trọng Di – Phó Trưởng Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Nghệ An (CDC Nghệ An) cho biết, virus cúm liên tục biến đổi, vì vậy tiêm vaccine được xem là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất.
Hiện nay, vaccine cúm chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Theo Nghị quyết số 104 của Chính phủ, vaccine cúm sẽ được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng vào năm 2030. Tuy nhiên ở Nghệ An, có rất nhiều phòng tiêm chủng dịch vụ. Người dân có thể tiêm vaccine ở các phòng tiêm chủng này.
Để phòng chống cúm mùa, người dân cần hạn chế tiếp xúc với người mắc cúm hoặc nghi ngờ mắc bệnh, đeo khẩu trang khi ở nơi đông người và trên phương tiện công cộng. Ngoài ra, cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng, và che miệng khi ho, hắt hơi. Việc tiêm vaccine, duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống đầy đủ và tăng cường vận động thể lực cũng rất quan trọng.
"Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không nên tự làm xét nghiệm hay mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ ngay với cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời," bác sĩ Di khuyến cáo.
Theo thông tin từ CDC Nghệ An, trong năm 2024, toàn tỉnh ghi nhận 19.990 ca mắc cúm các loại, không có trường hợp tử vong, giảm 1.233 ca so với năm 2023. Trong tháng 1/2025, Nghệ An ghi nhận 655 ca mắc cúm, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 (1.503 ca) và cùng kỳ năm 2024 (2.375 ca).
Tuy nhiên, các chuyên gia dịch tễ cho rằng những con số này chưa phản ánh đầy đủ thực tế về số ca mắc cúm, vì nhiều người mắc bệnh không đến bệnh viện mà tự test nhanh, tự mua thuốc điều trị hoặc khám tại các phòng khám tư nhân.