Lo âu và trầm cảm có nguy cơ gia tăng ở thanh thiếu niên mùa dịch
Theo kết quả một nghiên cứu mới đây được đăng trên Tạp chí JAMA Pediatrics, có khoảng 1/4 thanh thiếu niên đang bị trầm cảm và 1/5 thanh thiếu niên đang phải vật lộn với lo âu.
Trưởng nhóm nghiên cứu, Phó giáo sư Sheri Madigan, Khoa tâm lý học thuộc Đại học Calgary (Canada), cho biết: "Bị cô lập về mặt xã hội, xa bạn bè, rời khỏi thói quen học tập ở trường và các hoạt động ngoại khóa trong giai đoạn đại dịch COVID - 19 xảy ra đã được chứng minh là có ảnh hưởng đến sức khỏe của thanh thiếu niên".
Madigan cho biết thêm: "Trẻ em thường phát triển tốt trong môi trường ổn định và việc học trực tiếp cho phép tạo ra các thói quen và sắp xếp nhất quán hơn, vì vậy việc duy trì học ở trường có thể bảo vệ trẻ em khỏi các vấn đề sức khỏe tâm thần. Khi đại dịch tiếp diễn, cùng với các biện pháp an toàn sức khỏe cộng đồng như đóng cửa trường học và giãn cách xã hội thì các triệu chứng lâm sàng về lo âu và trầm cảm có nguy cơ tiếp tục gia tăng ở thanh thiếu niên".
Ý kiến chuyên gia
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đánh giá tổng quan 29 nghiên cứu từ tháng 1/2020 đến tháng 3/2021 bao gồm gần 80.900 trẻ nhỏ và vị thành niên. Các nghiên cứu này được thực hiện trên toàn cầu, bao gồm cả Mỹ.
Kết quả cho thấy, trẻ lớn gặp nhiều rối loạn về sức khỏe tâm thần hơn so với trẻ nhỏ và trẻ gái có nguy cơ cao hơn bị cả trầm cảm và lo âu. Những rối loạn về sức khỏe tâm thần trở nên tồi tệ hơn khi đại dịch bùng phát mạnh.
Madigan cho rằng: "Mặc dù đã có một số sáng kiến khắc phục hậu quả COVID-19 tập trung vào thanh thiếu niên, nhưng chúng ta cần ưu tiên một kế hoạch phục hồi sức khỏe tâm thần, điều này sẽ giúp giải quyết tình trạng gia tăng bệnh lý tâm thần ở thanh thiếu niên, cũng như đáp ứng nhu cầu về các dịch vụ sức khỏe tâm thần cho đối tượng này".
Tiến sĩ Victor Fornari, Phó trưởng Khoa tâm thần trẻ em và vị thành niên tại Bệnh viện Zucker Hillside ở Glen Oaks, New York (Mỹ), cho biết: "Chúng tôi đã thấy trong các phòng cấp cứu của mình, số trẻ vị thành niên tự tử tăng 50% trong vòng 12 tháng qua và tăng gần 300% số ca nhập viện vì rối loạn ăn uống ở trẻ vị thành niên. Đại dịch đã gây căng thẳng cho thanh thiếu niên khi họ phải vật lộn với hướng dẫn tại nhà và trường học ảo, bên cạnh đó cha mẹ cũng cảm thấy căng thẳng".
Fornari nhấn mạnh: "Nghiên cứu này tập trung vào tác động của đại dịch COVID-19 đến thanh thiếu niên, nhưng tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng, vì vậy chúng ta cần có góc nhìn đa chiều và đặt trong bối cảnh của nó. Các bậc cha mẹ cũng bị căng thẳng và xuất hiện các vấn đề bất ổn về việc làm, mất an ninh về nhà ở, lương thực, tài chính và sự gia tăng lạm dụng trẻ em và bạo lực gia đình".
Trẻ em mắc COVID-19 cần lưu ý đặc biệt gì khi chăm sóc?